(Baonghean) - từ chiến trường Trở về quê nhà, những người lính Cụ Hồ lại xông pha trên “trận tuyến” phát triển kinh tế, xây dựng quê hương, đất nước. Dù thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm nhưng nhờ tinh thần chịu khó học hỏi, dám nghĩ, dám làm, nhiều cựu chiến binh đã phát huy bản lĩnh, tinh thần người lính, vượt qua khó khăn, vươn lên làm kinh tế giỏi.
Tạo việc làm cho con em đồng đội
Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Tùng, ngoài là Chi hội trưởng Chi Hội Cựu chiến binh xóm 11, xã Diễn Thành (Diễn Châu) còn là chủ của một xưởng sản xuất thảm lau chân, tạo việc làm cho nhiều lao động trong xã.
Năm 1971, ông Tùng nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường Bình – Trị - Thiên. Năm 1986, ông xuất ngũ về địa phương, mang trong mình di chứng chất độc da cam. Với nghị lực lớn, ông vượt lên bệnh tật, dồn sức phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Sau nhiều tìm tòi, học hỏi nhiều nơi, năm 2010, ông quyết định sản xuất thảm lau chân để bán.
Cuối năm 2011, xưởng sản xuất thảm lau chân của cựu chiến binh Nguyễn Thanh Tùng được thành lập và đi vào hoạt động. Những công nhân đầu tiên của xưởng chính là con em cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn, con em nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn xã. Việc dạy nghề cho những đối tượng này gặp rất nhiều khó khăn, bởi phần lớn họ đều có những khiếm khuyết về cơ thể, trí tuệ. Nhưng với sự tận tình chỉ dạy của ông Tùng, họ đều vững tay nghề. Xưởng ngày càng phát triển, đến nay đã thu hút gần 50 lao động, trong có hơn 10 lao động là nạn nhân chất độc da cam bị dị tật trong xã. Sản phẩm của ông đã được nhiều đại lý lớn ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa… nhận đặt hàng nên thu nhập ổn định hơn, tạo công việc cho nhiều lao động với mức thu nhập từ 1,5 đến 2 triệu đồng/người/tháng. Em Nguyễn Thị An (SN 1994) - nạn nhân chất độc da cam ở xóm 9, xã Diễn Thành cho biết: “Cháu bị di chứng chất độc da cam, bị khoèo chân, tay nên gặp nhiều khó khăn để tìm được một công việc. Nhờ có bác Tùng nhận vào làm việc ở xưởng, cháu đã có thu nhâp ổn định và cảm thấy tự tin hơn vào khả năng lao động của mình”.
Ông Đậu Ngọc Căn – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Diễn Thành cho biết: “Không chỉ là một chi hội trưởng cựu chiến binh gương mẫu, đồng chí Tùng còn nhiệt tình giúp đỡ dạy nghề cho nhiều con em địa phương cũng như các xã lân cận”.
Chính sự động viên, chia sẻ của hội cựu chiến binh các và hội nạn nhân chất độc da cam các cấp đã tạo thêm động lực cho ông Tùng vượt qua khó khăn, có được thành quả như ngày hôm nay. Thời gian tới, ông tiếp tục mở rộng quy mô xưởng, phát triển sản xuất để dạy nghề, tiếp nhận nhiều hơn các lao động là con em cựu chiến binh, các nạn nhân chất độc da cam, giúp họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Nuôi dòng mật ngọt
Năm 1968, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Bùi Ngọc Ấn tham gia chiến đấu ở chiến trường Bình – Trị - Thiên ác liệt. Năm 1976, ông xuất ngũ trở về địa phương mà không hề biết mình đã bị phơi nhiễm chất độc da cam. Ông lấy vợ rồi chuyển về xóm 11, xã Quỳnh Hoa (Quỳnh Lưu) sinh sống. Người cựu chiến binh này chỉ nhận ra nỗi đau da cam khi lần lượt 3 người con ra đời không bình thường như những đứa trẻ khác, trong đó có 1 người con gái bị dị dạng, thiểu năng trí tuệ. Bản thân ông và các con thường xuyên bị những cơn đau hành hạ, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn.
Vượt qua nỗi đau riêng, Cựu chiến binh Ấn quyết nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Nhận thấy xóm 11, xã Quỳnh Hoa là vùng đất thích hợp nuôi ong, loài vật mà ông thường xuyên tiếp xúc khi ở rừng chiến đấu. Ông Ấn tâm sự: “Lúc đầu lên đây, gia đình tôi rất vất vả, khó khăn. Ong là loài sinh vật tự nhiên, sống tự do, chỉ cần thiếu kinh nghiệm chăm sóc, chúng sẽ bỏ đi kiếm nơi ở mới. Ngày mới nuôi, do không có kinh nghiệm, ong bị ảnh hưởng của thời tiết nên hay dịch bệnh. Ngoài ra bị các loại bệnh thối ấu trùng, sâu, nấm... Nhiều lần nhìn ong chúa kéo cả đàn bỏ đi, tôi rất buồn”.
Nhưng ông Ấn không nản lòng. Ông không chỉ mày mò tìm hiểu kỹ thuật nuôi ong trên sách vở, báo, đài, mà còn ra tận các tỉnh Hưng Yên, Bắc Giang, Tuyên Quang, hay vào tận Đắk Lắk, Gia Lai... xa xôi để học hỏi kinh nghiệm, tận mắt chứng kiến người ta nuôi ong lấy mật như thế nào. Những chuyến đi của ông thường từ vài tuần, hay cả tháng trời. Những cố gắng, kiên trì không mệt mỏi của người cựu binh cuối cùng cũng gặt hái được thành quả. Từ một vài thùng ong, dần nhân lên 5 rồi 10 thùng. Qua các năm, số lượng không ngừng tăng lên. Đến nay, cựu chiến binh Bùi Ngọc Ấn đã có gần 100 thùng ong gốc, với sản lượng mật thu hoạch đạt 200 lít/năm. Với giá trị đó, cộng cả tiền bán ong giống, mỗi năm ông Ấn thu nhập trên dưới 150 triệu đồng. Ngoài ra, cơ sở nuôi ong của ông còn là địa chỉ giúp đỡ bà con trong vùng về kỹ thuật nuôi ong. Những đồng đội năm nào được cựu chiến binh Bùi Ngọc Ấn giúp đỡ bây giờ đã có đàn ong cho thu nhập cao, như: ông Hồ Văn Chiến ở xã Quỳnh Mỹ, ông Nguyễn Văn Đệ ở Quỳnh Thạch, ông Bùi Văn Ngôn, Nguyễn Văn Khoa (phường Quỳnh Xuân, Thị xã Hoàng Mai)...
Nữ cựu binh “hai giỏi”
Tân Hồng là xóm đi đầu trong các phong trào của xã Nghĩa Tân (Nghĩa Đàn), nhân dân trong xóm đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế. Có được điều đó là nhờ sự đóng góp không mệt mỏi của nữ xóm trưởng, CCB gương mẫu Nguyễn Thị Phương.
18 tuổi, rời ghế nhà trường, cô gái Nguyễn Thị Phương lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Tham gia chiến đấu tại chiến trường Lạng Sơn, thuộc đơn vị 472, với nhiệm vụ làm đường thông tuyến. Năm 1984, trở về địa phương, chị tích cực tham gia các phong trào, hoạt động đoàn thể: Từng giữ các chức vụ trong hội nông dân, hội phụ nữ, công đoàn và hiện giờ là Xóm trưởng, Chi hội trưởng Hội CCB xóm Tân Hồng, bà đã góp phần xây dựng khối đại đoàn kết trong nhân dân, hoàn thành nhiều cuộc vận động như hiến đất làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới...
Để nói dân nghe, làm dân tin, bản thân bà Phương luôn gương mẫu đi đầu, đặc biệt là trong phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, bà đang xây dựng mô hình chăn nuôi, gồm 200 con gà, mỗi năm xuất 3 lứa thu về trên 40 triệu đồng. Bà còn nuôi 29 con lợn, mỗi năm xuất 4 lứa, sau khi trừ chi phí, cũng lãi ròng gần 50 triệu đồng/năm. Ngoài ra, bà nuôi thêm bò, trồng các loại hoa màu. Nhờ sự chịu khó, cần cù, CCB Nguyễn Thị Phương đã đưa kinh tế gia đình phát triển trở thành hộ khá của xóm. Nhìn vào những việc bà làm, nhân dân trong xóm tin và làm theo. Ông Nguyễn Văn Sâm, người dân xóm Tân Hồng, xã Nghĩa Tân chia sẻ: “CCB Nguyễn Thị Phương là tấm gương sáng về nghị lực vươn lên, cũng như hết lòng vì công việc được giao. Là một phụ nữ, chồng mất vì tai nạn, gánh nặng gia đình lớn, nhưng bà đã cố gắng xây dựng kinh tế gia đình, đóng góp không nhỏ vào phong trào của địa phương”.
Một vai đảm nhận nhiều trách nhiệm, đối với gia đình, cựu chiến binh Nguyễn Thị Phương vừa là cha, vừa là mẹ. Với tính kỷ luật trong quân đội, chị đã cứng rắn dạy bảo các con nên người, đồng thời thể hiện là một người mẹ mẫu mực, hết lòng vì con cái.
Bài, ảnh: Quân - Ngân - Trang