(Baonghean.vn) - Những rủi ro xảy đến đến với nhiều “đại gia” giàu lên nhờ đào vàng khiến người ta luôn ám ảnh bởi những lời nguyền truyền tụng trong dân gian. Người ta tin rằng vàng bạc dưới lòng đất đều có chủ, có thần núi, thần sông cai quản. 

images1502265_yen_na_4.jpgCận cảnh khai thác vàng ở bản Na Pu (Yên Na) vào tháng 8/2013

 Các “đại gia” vùng vàng và những cơn lũ tai họa

Lô Văn Ối, ở bản Hào xã Yên Hòa – Tương Dương (Nghệ An) sau khi “bắt” được khối vàng 2,1 kg năm 2009 đã trở nên khánh kiệt phải bỏ bản làng tha phương. Ở vùng đất vàng Tương Dương, anh Lô Văn Ối không phải là trường hợp duy nhất trở thành “đại gia” sau một đêm và cháy túi điêu đứng ngay sau đó.  

“Thần vàng” có thể báo mộng giúp người như trường hợp Lô Văn Ối tìm thấy khối vàng khủng, và cũng có thể lấy tất cả bất cứ lúc nào. Trong những cuộc “trà dư tửu hậu” dân bản vùng vàng lại kể cho nhau nghe về những may mắn đầy bất ngờ cũng như lúc tai họa giáng xuống nhanh như một trận lũ quét.

Cho đến lúc này, khi cơn sốt vàng đã đi qua nhưng người dân xã Yên Hòa vẫn kể cho nhau nghe về ông V.V.C, một người vốn có tiếng trong giới khai thác vàng ở xã Yên Hòa. Có thời điểm ông ta sở hữu vài chiếc máy đào, một điều chẳng dễ gì một người dân địa phương làm được. Thế nhưng người này cũng nhanh chóng rơi vào tình trạng khánh kiệt rồi bệnh tật và đã mất cách đây 2 năm khi tuổi đời còn khá trẻ.

Trên dòng suối Chà Hạ, cá tôm đã sinh sôi trở lại và người dân lại gắn bó với những sinh hoạt quen thuộc sau nhiều năm ô nhiễm vì nạn khai thác vàng.

Một “đại gia” vùng vàng khác vẫn được người dân bản Bón (xã Yên Na) thường nhắc đến là một người đàn ông tên Tân. Người đàn ông vốn quê gốc huyện Diễn Châu lên lập nghiệp ở vùng vàng Bốn Yên (các xã: Yên Hòa, Yên Na, Yên Tĩnh, Yên Thắng) đã gần 20 năm. Vốn là người nhạy bén nên khi cơn sốt vàng tràn đến, ông cũng đầu tư máy móc khai thác và nhiều lần trúng đậm. Đã có thời dân bản thấy ông này mấy lần thay đổi xe hơi. Có lúc trong nhà ông có 2 chiếc ô tô đắt tiền. Thế rồi “đại gia vàng” này cũng phải bán xe, bán nhà trở về quê.

Từ nhiều thế hệ nay, những dân bản trong vùng vàng vẫn tin rằng vàng bạc dưới suối không thể giúp người ta tìm thấy niềm vui hay trở nên giàu có một cách bền vững. Thế nên không ít người có được bao nhiêu tiền bán vàng lại tiêu xài phung phí rồi lâm vào cảnh khánh kiệt, nợ nần. 

Màu xanh đã trở lại

Những ai đi qua bản Na Pu vào cuối năm 2013 ắt hẳn sẽ không khỏi xót xa trước cảnh bờ suối ngay cạnh khu dân cư bị đào xới. Máy múc vàng ngoạm vào sát nền móng điểm trường tiểu học ở bản Na Pu. Tiếng máy đào ầm ĩ ngày đềm khiến người già, trẻ nhỏ không lúc nào được yên giấc.

Lòng suối bản Cặp Trạng, thuộc xã Yên Tĩnh từng là một công trường đào đãi vàng

Chẳng hiểu bằng cách nào mà ngày ấy có rất nhiều hộ dân trong các thôn bản vùng Bốn Yên đã bán đất ruộng đồng cho các chủ bãi vàng. Còn chính quyền địa phương dường như hoàn toàn đứng ngoài cuộc.

Anh Pay Văn Út, trưởng bản Bón (Yên Na) nhớ lại những ngày cả bản không thể cấy lúa, phần vì đất đã bán cho chủ bãi vàng, phần vì nước suối ô nhiễm. Lúc đó người dân trong bản cũng làm vàng. Nhà nào không làm vàng thì tìm đường sang Trung Quốc, sang Lào, Thái Lan hay đến những khu công nghiệp trong Nam ngoài Bắc kiếm việc làm. “Bây giờ thì đã khá. Làm ruộng được rồi. Con gái, con trai phần lớn vẫn ở nhà cấy lúa, chăn nuôi. Bản này vẫn ít người đi làm ăn xa”, anh Út chia sẻ.

Đã hơn một năm nay, cơn sốt vàng tạm lui ở vùng đất Bốn Yên. Những cuộc truy quét gắt gao đã được thực hiện sau khi những doanh nghiệp khai thác vàng rút đi. Động thái của chính quyền dường như đã có tác dụng ngay và tình trạng khai thác vàng trái phép trên vùng Bốn Yên đã ngừng hẳn từ hơn một năm nay.

Ở bản Na Pu xã Yên Na, guồng nước đã hoạt động trở lại dẫn nước vào đồng ruộng

Màu xanh đã trở lại với những cánh đồng lúa ở bản Na Pu, bản Bón, Xiềng Nứa (xã Yên Na). Sau khi máy khai thác vàng rút đi, những dân bản như tỉnh cơ mê vội vã cải tạo lại đất sản xuất. Vùng đất này trở lại vẻ yên bình như chưa hề tồn tại một đại công trường khai thác vàng với hàng chục điểm dọc con suối Chà Hạ chảy từ xã Yên Tĩnh ra Yên Hòa.

Tuy nhiên, vẫn còn đó, những vết tích của những cuộc “oanh tạc” thời cơn sốt vàng. Nó như một vết thương lòng còn chưa kịp lành lặn của vùng vàng Bốn Yên.

Hữu Vi - Hồ Phương

TIN LIÊN QUAN