Quy hoạch thành trung tâm vùng
Vinh là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Nghệ An, là trung tâm kinh tế, chính trị của tỉnh. Không chỉ vậy, Vinh còn có lợi thế khi Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt Đề án phát triển thành phố Vinh, Nghệ An thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2023 (Quyết định số 827/QĐ-TTg ngày 12/6/2020). Để thực hiện quyết định, TP Vinh đã và đang tổng lực phát triển tất cả các lĩnh vực như tài chính, tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm, thương mại, du lịch, khoa học, công nghệ, hạ tầng, bất động sản,…
Trước đó, vào ngày 14/01/2015, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt tại Quyết định số 52/QĐ-TTg đồng ý mở rộng không gian đô thị Tp Vinh theo quy hoạch bao gồm: Toàn bộ thành phố Vinh; Toàn bộ thị xã Cửa Lò, một phần của huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, nâng tổng diện tích của đô thị Vinh lên khoảng 250km2, tạo dư địa cho bất động sản thêm sôi động.
Đầu tàu tăng trưởng kinh tế
Về kinh tế, du lịch và đầu tư, TP Vinh luôn giữ vững vai trò là đầu tàu tăng trưởng kinh tế của Nghệ An với tốc độ bình quân ước đạt 8,62% trong giai đoạn 2016 - 2022. Giá trị sản xuất ngành dịch vụ năm 2020 ước đạt 25.900 tỷ đồng, từng bước trở thành đầu mối tập kết, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ của tỉnh và cả vùng Bắc Trung Bộ. Trong nhiệm kỳ 2016 - 2020 có 52 dự án được cấp chứng nhận đầu tư, với tổng vốn hơn 7.900 tỷ đồng, nâng cao vị thế của thành phố.
Là “điểm trung chuyển” của tỉnh Nghệ An, bình quân mỗi năm TP Vinh đón khoảng 1,9 triệu lượt khách du lịch, tốc độ tăng trưởng lượt khách giai đoạn 2016 - 2020 đạt vào khoảng 7,1%. Năm 2022, sự xuất hiện của phố đi bộ cùng định hướng liên kết tour du lịch Cửa Lò - Vinh - Nam Đàn của Sở Du lịch đã từng bước khơi dậy tiềm năng du lịch TP Vinh, giúp thành phố trở thành điểm dừng chân trên hành trình của các đoàn khách trong nước và quốc tế, góp phần không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế.
“Đòn bẩy” từ hạ tầng giao thông
Cách thủ đô Hà Nội 295 km, cách thị xã Cửa Lò 16 km, nằm trên trục Bắc Nam trọng yếu, TP Vinh sở hữu vị trí “kim cương” thuận lợi, được phát triển hệ thống hạ tầng hoàn thiện ở mọi loại hình, từ đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không. Tiêu biểu có thể kể đến một loạt những dự án quan trọng như dự án Sân bay Vinh được mở rộng lên sân bay quốc tế, Ga đường sắt hạng I và quy hoạch Bến cảng Cửa Lò với 4 cảng lớn đảm bảo vai trò vận tải hàng hóa các tỉnh Bắc Trung Bộ, Lào và Đông Bắc Thái Lan. Tính đến năm 2030, các chuyên gia đánh giá Nghệ An có đủ khả năng đón các tàu du lịch quốc tế tải trọng lớn với lượng khách du lịch quốc tế vượt trội, biến TP Vinh trở thành trung tâm lưu trú và phân phối khách du lịch của vùng cùng các đô thị khác như Đà Nẵng, Quảng Ninh và Khánh Hòa.
Ngoài ra, định hướng quy hoạch các tuyến đường xương sống trong hành lang kinh tế của tỉnh đã và đang tạo ra dấu ấn về cảnh quan đô thị, cơ sở hạ tầng, trở thành nền tảng vững chắc cho thị trường bất động sản như Đại lộ Vinh - Cửa Lò với chiều dài 11,2km nối TP Vinh và TX Cửa Lò; cầu Cửa Hội nối Nghệ An – Hà Tĩnh; mở rộng QL46 đi qua Cảng hàng không Quốc tế Vinh và nhiều dự án của Khu Công nghiệp Bắc Vinh; Tuyến đường Sân bay Vinh - Khách sạn Mường Thanh Phương Đông...
Tâm điểm đầu tư bất động sản sôi động
Sở hữu nhiều tiềm năng bứt phá và lợi thế phát triển, TP Vinh đang dần thay thế những thị trường lớn, đã bão hòa để trở thành một trong những thị trường được săn đón hàng đầu, thu hút đông đảo “cá mập” tham gia thị trường và giúp nâng tầm giá trị bất động sản nhanh chóng.
Khảo sát cho thấy, mức giá bất động sản ở một số thành phố thuộc Bắc Trung Bộ như Thanh Hóa, Sầm Sơn, Huế… đã tăng gấp 3,4 lần chỉ trong vòng 3 năm trở lại đây, khiến nhà đầu tư e dè vì rủi ro “sốt ảo”. Trong khi đó, thị trường bất động sản TP Vinh đang sở hữu mức giá lý tưởng hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo mức giá này sẽ không duy trì lâu bởi rất nhiều “ông lớn” bất động sản đang xâm nhập thị trường.
Cụ thể, những năm qua, TP Vinh đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ đầu tư với hàng loạt “ông lớn” bất động sản như: Tập đoàn Vingroup với Dự án Vincom Shophouse Vinh; Tập đoàn FLC với Dự án khu đô thị tại khu vực xã Hưng Hòa và FLC Resort nghỉ dưỡng tại huyện Nghi Lộc; Tập đoàn T&T với Dự án Tổ hợp thương mại, du lịch, đô thị Bến Thủy; Euro Window Holding; LOTTE Việt Nam với Dự án Trung tâm thương mại; TDH Ecoland (thành viên của Tập đoàn Ecopark) với Dự án Khu đô thị Ecopark…
Nhờ “hiệu ứng” từ những ông lớn, bất động sản TP Vinh hiện đang chứng kiến những “cơn sốt đất” không ngừng. Hiện tại đất dự án tại các phường trung tâm, đặc biệt tại các tuyến phố trọng điểm trong nội đô như Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Quang Trung…, có giá giao động từ 15 - 30 triệu/m2, có nơi lên tới 80 - 150 triệu/m2, sánh ngang với những thành phố lớn.
Các chuyên gia đánh giá, bất động sản TP Vinh sẽ trở nên có giá hơn rất nhiều lần trong tương lai gần. Đây không chỉ là cơ hội cho những khách hàng địa phương có tiềm lực tài chính, mong muốn hướng tới cuộc sống đẳng cấp mà còn là cơ hội các chủ đầu tư muốn vươn tay ra các thành phố mới.