Lãnh đạo UBND huyện Tương Dương cho biết, ngay trong đêm 28/7, sau khi nhận được công văn của Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Nghệ An về việc thủy điện Bản Vẽ xả lũ, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Hải đã gửi công điện khẩn tới lãnh đạo các xã Yên Na, Lượng Minh, Xá Lượng, Thạch Giám, Tam Thái, Tam Đình, Tam Quang, Yên Thắng và thị trấn Hòa Bình. Đây là các địa phương nằm ngay dưới hạ du thủy điện Bản Vẽ.
Công điện này cũng được gửi tới Ban Chỉ huy Quân sự, Công an, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện nhằm chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại trong thời gian vận hành cắt giảm lũ cho hạ du.
Trong công điện khẩn, ông Nguyễn Văn Hải yêu cầu chủ tịch UBND các xã, thị trấn, thông báo đến tất cả các thôn bản, khối xóm và toàn thể người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; các hộ nuôi cá lồng, các bến đò dọc, đò ngang; các hoạt động kinh doanh, khai thác cát sỏi biết thông tin xả lũ hồ chứa thủy điện để chủ động các biện pháp phòng tránh, đảm bảo an toàn về người và tài sản.
“Rà soát các điểm xung yếu có nguy cơ ảnh hưởng sạt lở, ngập lụt, nhất là các hộ dân dọc theo hồ thủy điện Nậm Nơn thuộc xã Lượng Minh để có phương án sơ tán kịp thời….” - công điện khẩn của huyện Tương Dương nêu.
Không chỉ Tương Dương, lãnh đạo các huyện vùng hạ du của sông Lam cũng đang rốt ráo ứng phó lũ. “Ngay trong đêm, tôi đã trực tiếp gọi điện, nhắn tin tới lãnh đạo các xã để chủ động phòng tránh” - ông Vi Văn Sơn - Chủ tịch UBND huyện Con Cuông nói.
Các huyện này đã chỉ đạo các ban, ngành tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thường xuyên theo dõi diễn biến để chủ động ứng phó; đôn đốc ban quản lý các bản, khối thường xuyên liên tục thông báo trên hệ thống loa để người dân nêu cao cảnh giác, chủ động ứng phó.
Bên cạnh đó, bố trí lực lượng kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn giao thông tại những khu vực bị sạt lở, ngầm, tràn, khu vực ngập sâu… để đảm bảo an toàn; không để người dân đi vớt củi, đánh bắt cá trên sông khi đang có lũ, bất cẩn để xảy ra tai nạn đáng tiếc.
Các thành viên trong Ban chỉ huy PCTT - TKCN huyện theo nhiệm vụ được phân công, tiếp tục đi xuống các địa bàn trọng điểm để đôn đốc các xã, thị trấn triển khai ứng phó kịp thời.
Ban chỉ huy quân sự huyện, Công an huyện tiếp tục duy trì lực lượng sẵn sàng cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn, tổ chức cứu trợ khi có yêu cầu. Đôn đốc Công an, Quân sự xã chuẩn bị lực lượng triển khai các biển pháp ứng phó; đảm bảo công tác an ninh trật tự trên địa bàn.
Các phòng như Nông nghiệp; Kinh tế - Hạ tầng; Y tế và các ban, ngành liên quan cấp huyện theo chức năng nhiệm vụ của mình, tập trung chỉ đạo đảm bảo giao thông, đường điện, khôi phục sản xuất nông nghiệp; phòng chống dịch bệnh cho các vùng bị thiệt hại. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để ứng cứu khi có tình huống xảy ra….
Trước đó, tối 28/7, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Nghệ An đã gửi công văn tới các địa phương vùng hạ du sông Lam gồm Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, TP Vinh, Nghi Lộc về việc đảm bảo an toàn hạ du khi vận hành hồ chứa Thủy điện Bản Vẽ.
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Nghệ An cho biết, sau khi nhận được đề nghị của Công ty Thủy điện Bản Vẽ, đơn vị đã ban hành lệnh vận hành hồ chứa thủy điện này để cắt giảm lũ cho hạ du.
Theo lệnh vận hành, bắt đầu từ 9h ngày 30/7, Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ sẽ xả với lưu lượng từ 340 m3/s đến 1.000 m3/s. Bao gồm lưu lượng qua đập tràn và lưu lượng qua 2 tổ máy.
Trong lệnh vận hành, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Nghệ An lệnh cho nhà máy thủy điện này phải xả nước với lưu lượng không lớn hơn lưu lượng nước về hồ, để cắt giảm lũ cho hạ du kể từ khi mực nước hồ đạt 192,5 mét…
Động thái này được đưa ra trong bối cảnh cơ quan khí tượng dự báo sẽ mưa lớn trên diện rộng ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ và cảnh báo lũ lớn trên các sông ở khu vực trong những ngày tới. Tính đến 10h sáng 28/7, mực nước tại Trạm thủy văn Nam Đàn là 3,09 mét, dưới báo động I là 2,31 mét. Lưu lượng nước về hồ Bản Vẽ lúc 18h ngày 28/7 là 1.207m3/s. Mực nước tại hồ cùng thời điểm là 190,18 mét.
Thủy điện Bản Vẽ có công suất thiết kế 320 MW được xây dựng ở thượng nguồn sông Nậm Nơn (một nhánh của sông Lam). Đập thủy điện này nằm ở địa phận xã Yên Na (Tương Dương), với 2 tổ máy. Hồ chứa của thủy điện có dung tích 1,8 tỷ m3 với lưu vực rộng gần 9.000 km2. Đây là thủy điện lớn nhất Nghệ An cũng như khu vực Bắc Miền Trung.