(Baonghean.vn) - Mùa thu này, thật thú vị khi lên với xã biên giới Na Ngoi. Không chỉ bởi cảnh vật nên thơ quyến rũ lòng người mà còn được hòa mình trong nhịp sống bình yên, chứng kiến nhiều đổi thay của bản làng người Mông, người Khơ Mú, người Thái ...

Na Ngoi có tới 11/19 bản nằm trên vành đai biên giới như Phù Khả,Cà Nọi, Tống Khư, Ka Trên, Ka Dưới, Buộc Mú, Xiềng Xí, Kiều Bắc… Những bản làng nằm chênh vênh trên những sườn núi, nơi có những thửa ruộng bậc thang mà thời điểm này đã nhuộm màu vàng óng.
Na Ngoi có tới 11/19 bản nằm trên vành đai biên giới như Phù Khả,Cà Nọi, Tống Khư, Ka Trên, Ka Dưới, Buộc Mú, Xiềng Xí, Kiều Bắc… Những bản làng nằm chênh vênh trên những sườn núi, nơi có những thửa ruộng bậc thang mà thời điểm này đã nhuộm màu vàng óng.
Ở Na Ngoi, bản Buộc Mú được xem là vùng lạnh giá bậc nhất xứ Nghệ, cũng thuộc vùng lạnh nhất cả nước vào mùa đông. Có năm, tuyết phủ dày như ở Châu Âu. Ảnh tư liệu: Thành Cường.
Cảnh sắc quen thuộc ở đây là những cây đào mốc bên hiên nhà sàn. Mùa thu, đào đang đơm nụ. Không chỉ đẹp, đây còn là "mặt hàng" đang được nhiều người "xuôi" săn đón. Trước nhu cầu của thị trường, bà con đã tiến hành ươm đào để tiêu thụ.
Hoa mận cũng bắt đầu khoe sắc trắng điểm tô thêm cho cảnh vật hữu tình....
Vùng đất biên viễn này còn được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều cảnh đẹp nên thơ, hùng vĩ. Đây là dòng thác tung bọt trắng xóa giữa sắc xanh của rừng và sắc xám của đá núi. Thác nước này cũng  là nguồn cung nước tưới và phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt cho bà con.
Dọc trên tuyến đường từ Nậm Càn vào Na Ngoi, nơi vành đai biên giới này ta không khó để bắt gặp những con thác miệt mài chảy.
Trên những con đường nằm vắt ngang sườn núi, những đám mây buông như toan mỏng xòa xuống thật gần như thể với tay là chạm được mây. 
Có lẽ trong khung cảnh nên thơ ấy, người dân nơi đây cũng mang trong mình sự lãng mạn đầy chất thơ. Dưới những mái nhà, người ta vẫn thường nghe thấy tiếng khèn dập dìu đầy say đắm. Chiếc khèn tồn tại lâu đời và mang đậm bản sắc văn hóa trong cộng đồng người Mông ở Nghệ An.
Để có được chiếc khèn như ý, bà con thường chọn những nhánh tre già, đem vuốt cho sạch mắt và hong trên gác bếp từ 2 - 3 tháng. Sau đó mang xuống đục mỗi ống 1 lỗ nhỏ bằng nhau ở đầu ống khèn. Ống khèn cả được làm bằng gỗ xoan hoặc gỗ pơ-mu tiện nhẵn mặt ngoài và đục rỗng ruột bên trong, dùng mũi dao nhọn khoét các lỗ để ghép 5 ống con vào tạo thành hình dáng của khèn.

Mùa lúa chín, không khí ở bản lại rộn ràng náo nhiệt. Người dân "tuốt" lúa trong những máng gỗ như thế này, và làm bằng tay. Là xã của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó 757 hộ (chiếm hơn 80% tổng dân số) là bà con dân tộc Mông, số còn lại là bà con người Thái và Khơ Mú nên Na Ngoi vẫn lưu giữ trong mình nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc qua nhiều thế hệ. Giống lúa nếp là đặc sản của miền đất biên viễn này. 

 Lúa được bó thành từng chùm nhỏ sau đó phơi lên mái nhà hoặc nóc bếp một cách cẩn thận.
Không chỉ làm rẫy đơn thuần, ngày nay bà con đã dần tiếp cận với những tiến bộ khoa học để phát triển kinh tế. Hiện có hơn 300 hộ đã liên kết với Tổng đội 10 để phát triển vùng rau sạch, vùng trồng chè chuyên canh.
Họ đã mạnh dạn  đa dạng hóa ngành nghề, phát huy tiềm lực kinh tế hộ và ngày càng tiến gần tới giấc mơ thoát nghèo.

 Thanh Quỳnh

TIN LIÊN QUAN