(Baonghean.vn) - Chúng tôi có được cái diễm phúc khi 2 vợ chồng đều là giáo viên. Ở cái vùng cao xứ Nghệ này cuộc sống của vợ chồng tôi và tất cả giáo viên khác đầy rẫy những khó khăn. Tuy nhiên, tôi và vợ giảng dạy ở 2 địa bàn khác nhau nên ngày lễ nhà giáo của chúng tôi có sự khác biệt một trời một vực.

Do ở địa bàn vùng sâu vùng xa nên trường tôi tổ chức ngày Nhà giáo Việt Nam sớm hơn các trường thuận lợi. Nói như thầy Hiệu trưởng trường tôi: “Anh em ở xa cả, đi về nhà đã mất 1 ngày rồi, thôi tổ chức sớm hơn 1 ngày để mọi người còn về kiếm chút quà của vợ con tặng cho”. Ai nấy đều cười khà, cái cười thoải mái lắm.

Phải nói rằng, không ở đâu như vùng cao chúng tôi. Ngày 20/11 là ngày lễ có ý nghĩa và ấm cúng nhất trong một năm dạy học. Không có những bó hoa lồng trong ống kính, không có những món quà có giá trị lớn về tiền bạc mà thay vào đó là những bó hoa rừng được học sinh lên nương rẫy hái về, rồi những quả bầu, quả bí, bó rau…đậm đà tình nghĩa thầy trò.

images1750122_4.jpgHọc sinh vùng cao mang hoa rừng tặng thầy cô giáo.

Học sinh chúng tôi cũng không biết nói những lời hay ý đẹp vì vốn tiếng Kinh ít ỏi nhưng tôi hiểu rằng trong sâu thẳm trái tim các em luôn dành cho chúng tôi một tình cảm cao quý. Tôi còn nhớ ngày 20/11 cách đây mấy năm, một em học sinh lớp tôi chủ nhiệm vì không biết mang gì đến tặng thầy nên em đánh bạo chạy bộ về nhà cách trường gần 7 km xin bố mẹ 3 quả chuối to tướng đến tặng thầy. Ánh mắt ngây thơ, trong sáng ấy đã ám ảnh và thôi thúc tôi càng phải cố gắng hơn nữa trong sự nghiệp trồng người. Những ngày như vậy, bạn bè tôi thường gọi điện lên đùa: “Thế nào, nhận được nhiều phong bì không?” Tôi chỉ cười không biết nói gì. Cái đó mà nói đối với giáo viên vùng cao chúng tôi là một điều hoàn toàn xa lạ và không bao giờ nằm trong suy nghĩ.

Ngày mới chân ướt chân ráo bước vào nghề, tôi đã hỏi thầy 1 thầy có thâm niên gần 20 năm gắn bó với vùng cao rằng, ngày thầy mới lên đây, những dịp lễ tết phụ huynh và học sinh mang tặng thầy những gì? Thầy cười hiền hậu bảo rằng, những người dân ở đây nghèo nhưng tấm lòng của họ thì quý lắm. Có một dịp vào ngày 20/11, khi thầy đang tổ chức buổi lễ thì thấy nhân dân một số bản ở xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn) chèo thuyền đến thăm. Trên thuyền chất đầy những nếp, khoai sọ, bí, bầu…Đấy là những món quà mà dân bản bàn với nhau góp lại để làm quà cho thầy. Rồi năm nào cũng vậy, đơn giản chỉ là những quả bầu, quả bí, những bó hoa rừng thôi nhưng hạnh phúc biết nhường nào đối với một giáo viên vùng cao như thầy.

Chúng tôi kết thúc ngày lễ của mình bằng món quà mỗi người mấy kg bí và vài bó chè tươi. Cũng chẳng ai đem về nhà mà để lại trường dành làm thức ăn chung cho tập thể. Mọi người đùa vui với nhau: “Thế là tháng này đỡ tiền mua rau”. Hay!

Vợ tôi cũng là giáo viên vùng cao nhưng cô ấy có cái may mắn được công tác tại thị trấn trong 1 trường nội trú. Tôi lọ mọ về đến nhà, vợ tôi cũng đã quá hiểu ngày này tại địa bàn tôi công tác cả 2 đều vui vẻ. Thực tình mà nói, trường vợ tôi dạy đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng xa xôi về học tập. Nhiều em cũng hoàn cảnh khó khăn lắm. Tuy nhiên, được về thị trấn học tập nên nhiều em đã có những suy nghĩ khác.

Những ngày này, căn phòng nhỏ của vợ chồng tôi ngập tràn những bó hoa tươi do học sinh và phụ huynh mang tặng. Học sinh lớp vợ tôi chủ nhiệm cùng nhau góp mỗi em mấy chục nghìn nhờ cô ấy mua ít bánh kẹo để đi lễ thầy cô trong trường. Đi bộ từ nơi này qua nơi khác, các em mệt nhoài lại quay về phòng tôi. Đói bụng, cô và trò lấy bánh ra ăn, ăn hết lại đi. Vợ tôi uể oải lo dọn dẹp sau mỗi lần các em ùa vào chúc mừng nhưng vẫn vui. Bao nhiêu bánh kẹo mua về chỉ một loáng là hết, lại phải chạy đi mua tiếp vì sợ các em đói bụng không có gì ăn. Có em còn vô tư nói: “Ở bản em chưa khi nào được ăn bánh ngon như ở nhà cô”. Tiếng nói cười râm ran, ấm cúng.

Tôi chỉ ngại nhất mỗi lần các bậc phụ huynh vào phòng chúc mừng. Có những người vượt đường rừng hơn trăm km để ra chỉ để tặng vợ tôi mấy con cá suối, mấy con cua khe hay cân nếp. Có phụ huynh bận lên rẫy gặt cho xong nương lúa nên không đi được đành phải gửi người cùng bản nhờ tặng hộ cô giáo. Vợ tôi áy náy, nhưng biết làm sao, chỉ biết ngậm ngùi cám ơn tấm lòng thơm thảo của họ.

Những chiếc phong bì "ngụy trang" trong ngày 20/11. (Ảnh minh họa).

Với các bậc phụ huynh ở bản xa là thế, còn những phụ huynh là cán bộ trong các cơ quan này khác lại có suy nghĩ “tân tiến” hơn. Tôi cảm thấy chạnh lòng và có chút gì đó bực bội khi họ vào chúc mừng vợ tôi với những lời lẽ sáo rỗng và chiếc phong bì giúi vội. “Có chút quà tặng cô ngày lễ, mong cô quan tâm đến cháu...với ạ” - câu chốt cuối cùng khi họ ra về là vậy.

Vợ tôi gạt đi, họ nhét lại rồi chạy đi và cảm thấy mừng rỡ vì đã đẩy được chiếc phong bì ấy cho cô giáo. Thật buồn, khi ở vùng cao này cuộc sống bà con còn đầy rẫy những khó khăn vậy mà trong suy nghĩ của các bậc phụ huynh lại len lỏi chiếc phong bì mừng ngày lễ. Vợ tôi nói rằng, họ đều là cán bộ công chức cả đấy, chắc trong công việc họ cũng quen thế mất rồi?

Những lần như vậy tôi thường cố ý lánh mặt ra ngoài để hít thở cái không khí cho thoải mái. Căn phòng chỉ mấy người thôi nhưng ngột ngạt vô cùng. Thôi, đành tự an ủi: “Chắc ở vùng sâu, vùng xa nhiều quá nên mình lạc hậu thật”.

Bỗng nhiên tôi có suy nghĩ, các em học sinh của vợ tôi rồi cũng sẽ lớn lên và trở thành phụ huynh và liệu các em có quay lại để ấn vội chiếc phong bì ấy cho cô giáo cũ của mình không? 

Giáo viên vùng cao

TIN LIÊN QUAN