Vui có chừng!…

(Baonghean) - Hôm 27/12, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị An toàn giao thông Việt Nam năm 2014. Những số liệu được công bố đem lại cảm giác buồn, vui lẫn lộn.
Buồn vì số vụ tai nạn giao thông (TNGT) vẫn cao, số người chết vẫn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Còn vui là so với chính chúng ta thì số vụ, số người chết vì TNGT giảm so với trước. Cụ thể là năm 2014, TNGT giảm cả 3 tiêu chí; toàn quốc xảy ra 25.322 vụ TNGT, làm chết 8.996 người, bị thương 24.417 người; so với cùng kỳ năm 2013 giảm 4.063 vụ (-13,8%), giảm 373 người chết (-4%), giảm 5.083 người bị thương (-17,2%). Đây là lần đầu tiên, số người chết vì TNGT xuống dưới 9.000 người. So với năm 2011, lúc tình hình mất ATGT nghiêm trọng, số người chết vì TNGT giảm được 2.400 người/năm. 
Nhưng, có một điều khiến ai nấy đều hết sức lo lắng, đó là có tới 47% trong số 8.996  người chết vì tai nạn giao thông ở độ tuổi dưới 30. Đáng tiếc biết bao nhiêu và cũng đau xót biết bao nhiêu vì đó là độ tuổi vừa mới học xong và đang căng tràn những ước mơ hoài bão, đang háo hức khẳng định mình để bắt đầu có những đóng góp cho gia đình và xã hội. Và trong số 47% đó có 35% tử nạn vì thiếu ý thức khi tham gia giao thông. Nói là thiếu ý thức nghe nhẹ nhàng, nhưng thực tế là những hành động rất không chấp nhận được: Là đua xe cho thỏa máu yêng hùng; là lạng lách, phóng nhanh, vượt ẩu và chủ yếu là đua nhau ăn nhậu say sưa rồi nhảy lên xe trổ tài “tay lái lụa”. Mà tình trạng rượu bia quá độ vào rồi vẫn cầm lái không chỉ ở trong lớp trẻ mà diễn ra ở mọi độ tuổi. 
Dường như có chút men bia, men rượu vào rồi thì người ta lại càng hưng phấn với tốc độ. Chả thế mà theo một thống kê tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), số người bị tai nạn giao thông (TNGT) do rượu, bia chiếm tới 40 - 50% trong các ca cấp cứu, 10% trong số đó là tử vong. Ma men cầm lái, không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân, mà còn khiến cho những người tham gia giao thông khác cũng bị vạ lây. Thực tế là đã có không ít những cái chết oan uổng do người say điều khiển các phương tiện giao thông đâm vào. Để lại hậu quả khôn lường cho gia đình nạn nhân và cho xã hội…
Vì thế, trong hàng loạt các biện pháp nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, thì biện pháp cần được tập trung chú ý nhất là hạn chế người uống bia, rượu điều khiển phương tiện giao thông. Mới đây, Nghị định 171 về xử phạt trong lĩnh vực này đã quy định, phạt ít nhất 1 triệu đồng, giữ xe 7 ngày, tước giấy phép lái xe 1 tháng đối với người uống rượu điều khiển xe máy; phạt ít nhất 2,5 triệu đồng, giữ xe 7 ngày, tước giấy phép lái xe một tháng đối với người uống rượu điều khiển xe ô tô. Tuy nhiên, mức phạt đó có vẻ chưa đủ nặng để người ta không dám lái xe sau khi đã nhậu nhẹt say sưa. Bằng chứng là ở Thủ đô Hà Nội, sau 1 tuần Cảnh sát giao thông ra quân đo nồng độ cồn, bao gồm cả biện pháp hóa trang mật phục trên các tuyến phố có nhiều quán nhậu, đã có gần 200 “ma men” bị xử phạt, tạm giữ phương tiện.
Thế nhưng, trên đường phố vẫn xuất hiện không ít “đệ tử của Lưu Linh” mặt mũi đỏ như vang vẫn hồn nhiên phóng xe máy, lái ô tô như bay. Nghe nói ở các nước khác, mức xử phạt hành vi uống rượu, bia quá mức cho phép khi lái xe được liệt vào loại hành vi cực kỳ nguy hiểm, thậm chí bị coi là tội phạm, nhẹ thì cấm lái xe suốt đời, nặng thì ngồi tù. Có lẽ, các cơ quan được giao phụ trách lĩnh vực này ở nước ta cần nghiên cứu, xem xét và đề xuất nâng mức phạt lỗi vi phạm này lên hàng chục lần so với mực hiện hành. Như thế, may ra mới khiến cho người say chùn tay lái. Cứ mạnh dạn đề xuất vì chắc chắn không người dân nào phản đối. Mà ngược lại, còn vỗ tay hoan nghênh vì lợi đơn, lợi kép. Vừa bảo đảm sức khỏe, tính mạng, vừa tiết kiệm được khoản chi phí cho rượu, bia.
Nhưng phạt mấy thì cũng khó mà xử lý được triệt để, vì khi đã say rồi, đã không làm chủ được bản thân thì người ta “anh hùng” lắm, trời cũng bằng vung chứ đừng nói chuyện không được phép cầm lái hay bị phạt vài triệu bạc. Cái chính vẫn là phải có ý thức tuân thủ nghiêm Luật Giao thông đường bộ, để biết tiết chế bản thân không để xảy ra những hành vi đáng tiếc. Đó cũng chính thông điệp cuối năm muốn gửi đến mọi người: “Vui có chừng” và “biết dừng đúng lúc”, không say sưa quá đà, nhất là trong mấy ngày nghỉ Tết Dương lịch sắp tới.
Duy Hương