(Baonghean.vn)- Hơn nửa năm sau vụ nổ xe khách ở tỉnh Khăm Muộn (Lào) làm 8 người chết và 3 người bị thương, gia đình của các nạn nhân vẫn chưa có bất kỳ thông tin nào về công tác điều tra, xử lý; trong khi đó, nhà xe thiếu trách nhiệm trong việc đền bù.

Gia cảnh éo le

Anh Võ Đình Hiệp (27 tuổi), trú tại xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc, là một trong 3 nạn nhân may mắn sống sót sau vụ xe khách Khánh Đơn phát nổ ở tỉnh Khăm Muộn (Lào) hơn 6 tháng trước. Vụ tai nạn trong buổi sáng định mệnh đó đã khiến Hiệp không còn đi lại được, cơ thể chi chít sẹo.

Sống trong căn nhà nhỏ ở xóm 2, gặp chúng tôi, Hiệp gắng gượng di chuyển trên chiếc xe lăn, khuôn mặt lộ rõ vẻ mệt mỏi. Hiệp kể, xe khách chạy từ tỉnh Thà Khẹc về Nghệ An, trên xe có 11 khách, chủ yếu là thợ xây người Nghệ An; phần lớn họ về quê để phụ giúp gia đình làm mùa.

Khoảng 4h30 sáng 2/6, tới địa phận huyện Bualapha (tỉnh Khăm Muộn) thì xe phát nổ. Hiện trường vụ tai nạn chỉ cách cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) khoảng 15 km.

images1773532_resize_images1569817_a3.jpgNạn nhân Võ Đình Hiệp bị thương nặng và được đưa về cấp cứu tại Bệnh viện 115 ở Nghệ An.

“Xe giường nằm 2 tầng nhưng trên xe chỉ có ngần ấy khách vì phần lớn chỗ trống nhà xe dùng chứa gỗ và pháo. Lúc lên xe một số người cũng đã nghe mùi khét, báo với tài xế nhưng họ không hề có động thái nào”, Hiệp cho hay.

Sau tiếng nổ lớn, anh bị hất văng xuống đường, bất tỉnh. Pháo và gỗ chất đầy trên xe khiến ngọn lửa lan nhanh, chiếc xe giường nằm gần như bị cháy rụi, gỗ và xác pháo nằm ngổn ngang. Vụ nổ làm 8 người tử vong tại chỗ, Hiệp và 2 người khác bị thương nặng được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Sau tai nạn, Hiệp hôn mê gần một tháng. Cũng như 3 nạn nhân bị thương khác, nhà xe sau đó hỗ trợ Hiệp 10 triệu đồng. Hiệp nói: “số tiền đó chẳng thấm vào đâu so với tiền chữa trị”.

Sau nhiều tháng nằm viện, Hiệp trở về nhà với đôi nạng gỗ và món nợ hơn 200 triệu đồng để lo viện phí. “Vì khó khăn quá tôi có liên hệ với nhà xe thì họ cho thêm 5 triệu đồng. Gia đình tôi đã khánh kiệt trong khi nhà xe suốt từ đó đến nay không hề nhắc gì đến chuyện đền bù”, Hiệp bức xúc.

Anh Võ Đình Hiệp - 1 trong 3 người may mắn sống sót, nay bị tàn tật phải di chuyển bằng xe lăn.

Nằm cách nhà Hiệp một cánh đồng, ngôi nhà của chị Nguyễn Thị Mai (xóm 3, xã Nghi Kiều) vẫn chưa hết tang thương sau cái chết của chồng - anh Nguyễn Kế Hậu (46 tuổi). Chồng mất để lại gánh nặng nuôi 4 người con đang tuổi ăn học, khiến gia cảnh chị đã nghèo nay càng khó khăn thêm.

Nhà chỉ có 3 sào ruộng, thấy nhiều người trong làng rời quê sang Lào làm thợ xây, anh Hậu cũng xin đi theo. “Anh ấy mới qua Lào hồi ra Tết. Đợt này về là để giúp vợ con thu hoạch mùa màng”, người phụ nữ với khuôn mặt khắc khổ nói.

Chị Mai cho hay, sau cái chết của chồng, cũng như những gia đình có người mất khác, nhà xe có hỗ trợ 20 triệu đồng. Tuy nhiên, từ đó đến nay họ “bặt vô âm tín” khiến thân nhân các nạn nhân bức xúc.

Chị nói rằng, đã quá mệt mỏi sau nhiều lần gửi đơn đòi công lý. “Chồng tôi về có mang trên người hơn 10 triệu đồng. Số tiền đó Công an Lào thu giữ. Tuy nhiên, phải rất nhiều lần đến đòi, gần đây họ mới chịu trả. Còn kết quả điều tra vụ việc đến đâu chúng tôi cũng không hề hay biết”.

Anh Nguyễn Kế Hải - em họ của anh Hậu và cũng là nạn nhân thiệt mạng trong vụ nổ xe mang theo người toàn bộ số tiền tích cóp đến nay vẫn chưa được hoàn trả. Vợ anh Hải - chị Nguyễn Thị Luyện cho hay, theo lời họ hàng cùng làm việc ở Lào, anh Hải lên xe còn mang theo nhiều đồ đạc. Tuy nhiên, tiền bạc lẫn tài sản đến nay gia đình vẫn chưa nhận được.

"Vụ nổ làm xóm này mất 3 người đàn ông. Người còn lại là anh Nguyễn Bá Lợi - anh trai tôi. Gia cảnh ai cũng khó khăn nhưng hơn nửa năm rồi vụ việc vẫn không được giải quyết một cách thỏa đáng”, chị Luyện kể trong tiếng nấc.

Chị Nguyễn Thị Mai - vợ nạn nhân Nguyễn Kê Hậu.

Gian nan hành trình “gõ cửa” đòi công lý

Không liên lạc được với nhà xe để đòi quyền lợi, 11 gia đình thân nhân người bị nạn tìm đến các cơ quan chức năng song chỉ nhận được cái lắc đầu và câu trả lời “chờ đợi”.

Chị Nguyễn Thị Luyện cho biết: “Chúng tôi đã gửi đơn kêu cứu khắp nơi, tòa án nhân dân huyện, tòa án nhân dân tỉnh, công an tỉnh,…nhưng họ đều trả lời rằng vụ việc xảy ra ở Lào nên cơ quan chức năng của Lào giải quyết. Cực chẳng đã, chúng tôi lại lặn lội sang tận Lào để gửi đơn nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm”.

Ông Nguyễn Quế Sự - Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Nghệ An cho rằng: vụ việc xảy ra trên địa bàn của Lào nên không có thẩm quyền xử lý. Khi được hỏi “trách nhiệm của ngành đến đâu khi nguyên nhân gây ra tai nạn của nhà xe Khánh Đơn là do chở gỗ và pháo lậu; tình trạng này diễn ra phổ biến đối với các xe khách biển Lào hoạt động trên địa bàn”, ông Sự trả lời: Sở giao thông vận tải đã có nhiều giải pháp tăng cường chấn chỉnh; còn đối vụ tai nạn này thì Sở “không đủ thẩm quyền”!

Phần lớn chỗ trống trên xe khách Khánh Đơn nhà xe dùng chứa gỗ và pháo. Ảnh tư liệu

Phóng viên tiếp tục tìm đến Sở Ngoại vụ để tìm kiếm thông tin về tình hình phối hợp điều tra giữa hai nước nhưng vẫn không có được câu trả lời thỏa đáng. Ông Giang Công Huy - Trưởng phòng Lãnh sự Biên giới, Sở ngoại vụ tỉnh Nghệ An cho biết:

“Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Sở Ngoại vụ đã tiến hành phối hợp với Lào để đưa thi thể người bị nạn về nước và cấp cứu người bị thương. Còn thẩm quyền xử lý thuộc cơ quan chức năng của Lào; chúng tôi không nhận được đơn thư yêu cầu hỗ trợ cung cấp thông tin điều tra của công dân nên không tiến hành làm các bước tiếp theo”.

Trong khi thân nhân của người bị nạn đang mòn mỏi đi tìm công lý thì cơ quan chức năng, các ngành liên quan vẫn không có bất kỳ động thái nào để hỗ trợ. Mọi việc gần như đang bị chìm dần vào quên lãng khi hơn nửa năm trôi qua, gia đình nạn nhân không hề được biết thông tin về vụ việc. Sự bất lực của người bị hại, sự bặt vô âm tín của chủ nhà xe và sự thiếu trách nhiệm của cơ quan chức năng khiến công lý mãi chưa được trả về.

Theo Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Trọng Hải, Văn phòng luật sư Trọng Hải & Cộng sự: “Vụ án xảy ra trên địa bàn của Lào nên thẩm quyền điều tra, xét xử thuộc cơ quan an ninh, Tòa án tỉnh Khăm Muộn (Lào). Trong quá trình thụ lý vụ án, cơ quan chức năng phía Lào sẽ liên hệ, làm việc với các gia đình bị hại để thu thập các thông tin cần thiết. Nếu cần thiết, Bộ ngoại giao Việt Nam và Sở Ngoại vụ Nghệ An sẽ giúp đỡ để tiến hành các thủ tục nói trên. Việt Nam và Lào có hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự (06/07/1998) nên phần trách nhiệm dân sự, bồi thường thiệt hại, trong trường hợp đại diện hợp pháp của người bị hại yêu cầu và được sự đồng ý của phía cơ quan tư pháp hai nước, việc yêu cầu bồi thường thiệt hại có thể thực hiện tại Việt Nam.

Phương Thảo - Tiến Hùng

TIN LIÊN QUAN