Diện tích giảm, năng suất giảm

Xã Xuân Thành, huyện Yên Thành có 346 ha lúa hè thu. Đến ngày 5/9, toàn bộ diện tích đã được thu hoạch. Không có mưa bão, trời nắng, lúa gặt về phơi rất thuận lợi, giá lúa tăng cao so với mọi năm nên bà con nông dân rất phấn khởi. Tuy nhiên, bà Đỗ Thị Quý - cán bộ nông nghiệp xã cho biết, mặc dù giá lúa cao và không bị “mất mùa cuối vụ”, nhưng năng suất lúa bình quân của xã chỉ đạt 52,56 tạ/ha, thấp hơn mọi năm.

Nông dân xã Xuân Thành, huyện Yên Thành phơi lúa hè thu. Ảnh: Phú Hương

Huyện Yên Thành có hơn 11.000 ha lúa hè thu, trong đó, có khoảng 3.000 ha vùng thấp trũng, chạy lụt. Đến ngày 15/9, huyện Yên Thành cơ bản đã thu hoạch xong. Nhờ đưa vào sử dụng bộ giống mới nên nhiều diện tích cho năng suất rất cao, lên tới 60- 62 tạ/ha. Tuy nhiên, một số diện tích lại giảm năng suất nên mức bình quân chung của “huyện lúa” đạt xấp xỉ 53 tạ/ha.

Trong khi đó, đến ngày 20/9, huyện Quỳnh Lưu đã thu hoạch được gần 85% diện tích lúa hè thu, số diện tích còn lại tập trung ở trà muộn của các xã vùng bán sơn địa như Quỳnh Châu, Quỳnh Thắng… và dự kiến, toàn huyện sẽ hoàn thành thu hoạch trước ngày 30/9.

Đã gặt xong và bán cho thương lái với giá gần 9.000 đồng/kg, nhưng năm nay, 5 sào lúa của gia đình bà Nguyễn Thị An ở xã Quỳnh Lâm chỉ thu được hơn 1,1 tấn lúa.

“Năng suất kém hơn mọi năm, 1 sào chỉ được 2,2- 2,3 tạ. Do đầu vụ cấy sớm, thời gian tháng 6 dương lịch nước kém, bón thúc xong không đủ nước để chăm sóc, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây lúa”, bà An chia sẻ.

Lãnh đạo tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra tình hình sản xuất lúa hè thu 2023. Ảnh: Phú Hương

Bà Vũ Thị Bích Hằng - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Năng suất lúa hè thu năm nay của huyện Quỳnh Lưu chỉ đạt 52 tạ/ha, thấp hơn vụ hè thu năm ngoái. Sản xuất hè thu là vụ sản xuất khó nhất trong năm, người dân bỏ ruộng nhiều. Năm nay lại càng khó khăn hơn do thời điểm đầu vụ sản xuất đóng nước hệ thống Thủy lợi Bắc, một số xã giảm diện tích gieo cấy, toàn huyện chỉ sản xuất 4.500 ha lúa hè thu, giảm 200 ha so với vụ hè thu năm ngoái. Ngoài nắng nóng, mưa ít, một số diện tích trà giữa bị sâu đục thân gây hại giai đoạn lúa đẻ nhánh, đòng non, mặc dù đã tổ chức phòng trừ nhưng sâu bệnh hại phát sinh rất nhanh và bất ngờ, nên có gần 30 ha lúa bị ảnh hưởng năng suất.

Vụ hè thu – mùa 2023, Nghệ An gieo cấy hơn 77.413 ha lúa/kế hoạch 81.500 ha, đạt chưa đến 95% so với kế hoạch và đạt 94,87% so với cùng kỳ; trong đó, diện tích lúa hè thu gần 57.000 ha. Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, năng suất lúa hè thu năm nay sơ bộ đạt 51,38 tạ/ha, giảm 0,25% so với cùng kỳ, tổng sản lượng đạt khoảng hơn 292. 604 tấn, giảm 5,59% so với cùng kỳ. Như vậy, cả về diện tích, năng suất và sản lượng vụ hè thu năm nay đều không đạt kế hoạch cũng như thấp hơn so với nhiều năm.

Giá lúa cao, tiêu thụ dễ

Mặc dù năng suất không cao, năm nay thu nhập trên đơn vị sản xuất vẫn tăng do giá lúa cao, tiêu thụ thuận lợi. Theo ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành, giá lúa tăng không những đem lại giá trị cao, mà còn giúp bà con tiêu thụ thuận lợi hơn. Doanh nghiệp, thương lái đến thu mua lúa tươi tận ruộng, giải quyết cả vấn đề bảo quản sau thu hoạch, nhất là ở vụ hè thu thời điểm thu hoạch thời tiết thất thường, phức tạp; tạo tâm lý phấn khởi cho nông dân, tạo tiền đề cho phát triển sản xuất những năm sau.

Điều này cũng góp phần tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân, do năm nay, nhiều diện tích mặc dù không có hợp đồng liên kết từ đầu vụ, nhưng thông qua các hợp tác xã, doanh nghiệp vẫn về thu mua lúa tươi ngay tại ruộng, từ đó, khuyến khích nông dân tích cực tham gia hợp tác xã để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn.

Thu hoạch lúa hè thu ở huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Phú Hương

Vụ hè thu năm nay được đánh giá là một vụ sản xuất không được mùa. Mặc dù các địa phương đều đã nỗ lực nhằm khép kín diện tích theo kế hoạch đề ra, nhưng tại một số vùng, diện tích bỏ hoang không sản xuất vẫn duy trì, một số diện tích bỏ hoang mới như tại huyện Quỳnh Lưu.

Ngoài những diện tích bị hạn, thiếu nước ngay từ đầu vụ và sau đó đã được khắc phục, thì trong suốt vụ sản xuất, tình trạng nắng nóng kéo dài, lượng mưa rất ít đã đẩy nhanh quá trình sinh trưởng phát triển của cây lúa, giảm thời gian sinh trưởng, tích lũy dinh dưỡng, tạo năng suất. Nắng nóng kéo dài cũng làm phân bón bốc hơi nhanh, ảnh hưởng đầu tư thâm canh nâng cao năng suất.

Theo ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, nhiều diện tích lúa trà giữa và trà muộn khi trổ gặp mưa làm phát sinh bệnh lem lép hạt, trong khi đó, do lao động thiếu, mưa kéo dài, nông dân chủ quan, ngại ra đồng nên hiệu quả phòng trừ không cao, ảnh hưởng năng suất lúa. Diện tích này tập trung nhiều ở các huyện Nghi Lộc, Nam Đàn, Yên Thành, Quỳnh Lưu…

Nông dân xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên phun thuốc BVTV trên lúa hè thu 2023. Ảnh: Phú Hương

Lực lượng cán bộ nông nghiệp còn “mỏng”, trong khi diện tích sản xuất cần theo dõi quá lớn, cán bộ nông nghiệp ở các xã kiêm nhiệm thêm nhiều nhiệm vụ nên việc sát sao bám đồng ruộng, dự tính, dự báo, phát hiện và khuyến cáo kịp thời cho người dân các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại chưa thể đáp ứng yêu cầu.

Ông Nguyễn Tiến Đức- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh

Sản xuất vụ hè thu năm nay sản lượng giảm nhưng bù lại giá lúa đang ở mức cao, các thương lái thu mua lúa tươi ngay tại ruộng với mức giá 6.500- 6.700 đồng/kg, lúa khô 9.000 đồng/kg. Nhờ đó, nông dân rất phấn khởi. Xu hướng này được dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài, được hy vọng là “tiền đề” giúp các địa phương giảm thiểu diện tích bỏ hoang ruộng trong sản xuất vụ hè thu.

Đến ngày 20/9, Nghệ An đã thu hoạch được gần 52.000 ha lúa hè thu, diện tích hơn 5.000 ha còn lại nằm rải rác ở các huyện Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc… sẽ được thu hoạch xong trước ngày 30/9.

Ngoài ra, toàn tỉnh vẫn còn hơn 20.000 ha lúa mùa bước sang tháng 10 mới bắt đầu thu hoạch. Nếu như năm ngoái, trong tháng 9 đã có 2 đợt mưa lớn ảnh hưởng đến sản xuất và thu hoạch lúa hè thu - mùa thì năm nay, đến thời điểm hiện tại, thời tiết cơ bản đang nắng ráo. Trong khi theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, năm 2023 sẽ có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông, 5-6 cơn ảnh hưởng đến đất liền, các tháng đầu mùa sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc, từ khoảng tháng 9-11 sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh miền Trung. Do đó, các địa phương và người dân cần hết sức cảnh giác, theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo thời tiết để có kế hoạch, chủ động thu hoạch lúa hè thu- mùa kịp thời, tránh tổn thất do mưa lụt với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.