(Baonghean.vn)- Câu chuyện một học sinh tố giám thị chép bài của thí sinh khác cho thí sinh tại kỳ thi học sinh giỏi tỉnh đang khiến nhiều người bức xúc thì mới đây, thầy giáo hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách - nơi cô giáo này công tác và cũng trường học của thí sinh được cô giáo chép bài lại đăng đàn phân trần trên một cơ quan truyền thông khiến nhiều người suy nghĩ.
Cụ thể, đã có rất nhiều ý kiến của cộng đồng mạng phản ứng về nội dung được cho là phát ngôn của ông Nguyễn Khắc Điệp - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An (nơi cô H. – giáo viên bị tố giảng dạy) khi ông Điệp cho rằng: "Theo chia sẻ của cô H. thì hành động đó là do bột phát, thấy học sinh trong trường mình thi nên muốn giúp đỡ. Việc này không có sự tác động nào từ phía em học sinh, gia đình, nhà trường hay người bồi dưỡng cho em đó”. Trang này còn dẫn lời kể của ông Điệp cho rằng cô H. chỉ nhìn đề để chép ra tay. Cô là giáo viên tiếng Anh nên cô cũng chẳng nhìn bài. Giám thị không có đề, người chấm thi cũng không có nên mới nhìn”.
Dư luận cho rằng thông tin theo như cô H. nói với ông Điệp là không trung thực. Bởi đã là thí sinh vào phòng thi thì thí sinh nào cũng được tiếp cận với đề thi, điều này thuộc về quy chế. Sẽ không có chuyện thí sinh không có đề thi nên giám thị mới chép đề của thí sinh Trường THPT Phan Bội Châu cho thí sinh Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách.
Như chia sẻ của tài khoản facebook Le Phuong Anh thì rõ ràng là giám thị này đã lộ liễu tìm mọi cách chép bài của các học sinh Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu cho thí sinh 010572, đến nỗi các thí sinh trong phòng đã phản ứng và vị giám khảo khác đã nhắc khéo các thí sinh “che bài lại không cô kia chép đấy”.
Như vậy, một lần nữa cho thấy cô giáo H. không chỉ vi phạm quy chế thi, mà còn có dấu hiệu thiếu trung thực, không nghiêm túc kiểm điểm bản thân và nhận ra lỗi lầm để khắc phục, sửa chữa, mà còn cố tình bao biện, chối bỏ vi phạm của mình.
Là một giáo viên THPT, có quá trình đào tạo và tham gia công tác giảng dạy khá dài, lẽ ra cô giáo H. phải thực sự gương mẫu, cả về tài năng, lẫn phẩm chất, bản lĩnh, để làm gương cho các thế hệ học sinh của mình và của nhà trường, xã hội. Tuy nhiên, một lần nữa, qua chia sẻ của ông Hiệu trưởng, dư luận càng thấy “có vấn đề” khi cô H. tiếp tục tỏ ra thiếu bản lĩnh, không trung thực, ngay cả khi Sở GD&ĐT, cộng đồng xã hội lên tiếng về hành vi vi phạm của cô.
Trên các trang mạng xã hội, cũng có một số phản ứng yếu ớt cho rằng đó là vì cô H. thương học sinh trường mình, hành động của cô là vì mái trường của mình. Lập tức ý kiến kiểu này bị nhiều ý kiến khác bày tỏ sự không đồng tình với cách bao biện này.
Thứ nhất, đây là kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, kỳ thi này phải thực sự chọn ra đúng những học sinh có tư duy, trí tuệ, chất xám, do đó phải được thực hiện một cách công bằng, minh bạch. Không thể dùng “tình thương” với riêng thí sinh đến từ trường mình mà “ăn cắp chất xám” của thí sinh trường khác, là dấu hiệu tạo nên sự bất công của xã hội ngay từ trong môi trường sư phạm.
Thứ hai, có ý kiến cho rằng kể cả là với một kỳ thi tốt nghiệp cũng không nên coi là vì tình thương mà chép bài cho học sinh.
Đó là một quan niệm lệch lạc, và không thể lấy sự lệch lạc để làm quy chuẩn, để "quá mù ra mưa". Bởi như thế, vô hình trung, là vì lý do duy tình, duy cảm, mà biện hộ cho sự phi lý, cho hành vi vi phạm quy định, vi phạm tư cách đạo đức công vụ của người giáo viên khi làm nhiệm vụ giám thị là không thể chấp nhận.
Qua phản ứng của cộng đồng mạng cho thấy, dư luận không hề khắt khe, khắc nghiệt, không phải ai cũng “ném đá” với trường hợp cô H. Bởi điều dư luận mong muốn là qua “bề nổi của tảng băng chìm”, những người có trách nhiệm và ngành giáo dục cần nghiêm túc nhìn nhận những bất cập, yếu kém, thậm chí có những tồn tại đã có tính hệ thống, thành bệnh trầm kha, để kịp thời chấn chỉnh, chữa trị.
Phải chăng điều này một lần nữa cho thấy căn bệnh thành tích đang là áp lực đè nặng lên nhà trường, đè nặng lên đội ngũ giáo viên, và là áp lực đối với chính học sinh, thí sinh. Vì chạy theo bệnh thành tích mà đã xuất hiện tiêu cực, xuất hiện những biểu hiện gian lận trong thi cử, như chép bài, chạy điểm… Tất cả chỉ để chạy theo thành tích.
Việc để cho giám thị cùng trường coi thi thí sinh cùng trường, để cho giám thị chép bài của thí sinh này cho thí sinh khác chép lại trong một kỳ thi học sinh giỏi, điều đó cũng là một biểu hiện để dư luận có quyền đặt câu hỏi về việc quá nặng về thành tích mà không cần thực chất, thực lực.
Dư luận cho rằng nếu cô H. thẳng thắn thừa nhận hành vi vi phạm của mình thì sẽ dễ dàng nhận được cảm thông và chia sẻ nhiều hơn. Bởi điều quan trọng là qua sự việc này để xem xét lại những vấn đề nổi cộm của ngành giáo dục, nền giáo dục, chứ điều dư luận hướng đến không phải chỉ để xử lý một cô giáo. Bởi nếu xử lý kỷ luật cô giáo mà các căn bệnh trầm kha của giáo dục vẫn tiếp diễn thì khác gì “cờ bí dí tốt”.
Một điều đáng nói nữa là dư luận cũng đã không hài lòng với cái cách ông Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách dễ dàng chấp nhận một thông tin thiếu trung thực như thế từ phía cô H. và chia sẻ với cơ quan truyền thông với ý muốn được chia sẻ, lượng thứ. Phải chăng, chính ông Hiệu trưởng cũng chấp nhận thông tin không trung thực kia là một sự thường. Nếu vậy, liệu bao giờ sự thật mới được tôn trọng.
Cả nước đang tiến hành kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Yêu cầu đặt ra của đợt kiểm điểm này là mỗi cá nhân phải trung thực nhìn nhận ra khuyết điểm của mình để khắc phục sửa chữa. Dư luận cho rằng cả cô H. và ông Hiệu trưởng trong trường hợp này cần nghiêm túc, trung thực kiểm điểm khuyết của mình, của giáo viên và học sinh nơi mà ông Hiệu trưởng là người đứng đầu.
Chính Trực