(Baonghean) Vụ ép này, Công ty Mía đường NAT&L đã thu mua tới trên 1 triệu tấn mía nguyên liệu, so với số mía thu vụ ép 2011 - 2012 chỉ được 620.000 tấn. Mía nhiều do diện tích trồng mía tăng, những vụ ép trước đây giá đường tăng, một số nhà  máy đường bạn “lấn sân”  đến mua mía thuộc vùng nguyên liệu của Công ty Mía đường NAT&L và hàng mấy chục hộ dân trong vùng dựng lên mấy chục lò mật, mỗi ngày tiêu ngốn hàng trăm tấn mía nguyên liệu.

Vụ ép 2012 – 2013 do mía đường hạ, các nhà máy bạn ít lấn sân và các lò mật  của dân hoạt động cầm chừng. Vì mía nhiều nên vụ ép này Công ty Mía đường NAT&L có thể hoạt động đến ngày 15/5/2013 mới kết thúc, trong khi đó, vụ ép 2011 – 2012 kết thúc từ cuối tháng 2/2012. Tuy đường gần đây có hạ giá so với năm trước, trong khi một số nhà máy bạn kề bên, như Nhà máy  đường Sông Con mua mía  của nông dân đến 900.000 đ/ tấn  tại vườn thì Công ty mía đường NAT&L chỉ mua với giá  870.000đ /tấn đầu vụ rồi  hạ xuống chỉ còn 830.000đ/ tấn. Với giá thu mua như trên, nếu chỉ bán đường với giá 14.000 đ/kg, thì sau khi trừ các khoản chi phí, Công ty Mía đường NAT&L  đã có lãi rồi. Hiện nay Công ty Mía đường NAT&L  vẫn bán lẻ đường với giá 16.000 đ/kg loại đường trắng thô  và 19.500 đ loại đường tinh luyện, cùng với sản lượng thu mua tăng, ắt sản lượng đường sản xuất được sẽ tăng lên. Phải nói rằng, vụ ép 2012 – 2013 Công ty Mía đường NAT&L thắng lợi lớn.

Trong khi lương của cán bộ, công nhân viên Công ty Mía đường NAT&L  không hề giảm (chưa nói đã tăng lên), thì  nông dân trồng mía lại thiệt đơn, thiệt kép bởi giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giá công chăm bón thu hoạch vụ này tăng hơn vụ trước, với giá công ty thu mua vụ ép này so với vụ trước giảm từ 100.000đ - 130.000đ/tấn. Bà Hà Thị Sử, một nông dân trồng mía cho biết: Vụ ép này gia đình bà bán tại Công ty Mía đường NAT&L trên 400 tấn mía. So với giá mía vụ trước, vụ này gia đình bà thua thiệt trên 50 triệu đồng.

Cũng theo một số cán bộ nông vụ của Công ty Mía đường NAT&L cho biết: “Tuy công suất hoạt động của nhà máy có thể đến 9000 tấn mía/ngày, nhưng hiện nay chỉ hoạt động đến 7.500 tấn/ ngày”. Cách sản xuất cầm chừng như vậy cũng là một nguyên nhân để vụ ép kéo dài,  gây thiệt hại cho người trồng mía, đặc biệt là các hộ nông dân thu hoạch mía về sau. Vì thu hoạch chậm nên mía trổ cờ ra hoa, tóp ngọn, khi thu hoạch mía ra gặp trời nắng to bị khô hao, và sau khi thu hoạch một số hộ trồng lại mía gặp phải trời hạn hán không có nước tưới, mía trồng ra bị khô chết.

Bà Trần Thị Lưu, một nông dân trồng mía cho biết: Gia đình bà có một ha mía do thu hoạch chậm nên khi thu hoạch xong gia đình bà trồng lại cả tháng nay mà mía chưa lên, dễ bị mất trắng.

Mong sao Công ty Mía đường NAT&L vụ ép sau không nên chỉ nghĩ phần lợi của mình mà hãy nghĩ đến cả lợi ích của người trồng mía để người trồng mía khỏi thiệt đơn, thiệt kép.

Trung Trực