(Baonghean.vn) -Thời gian qua, huyện Quỳnh Lưu đưa các giống cây có hiệu quả vào sản xuất vụ đông và tập trung tìm kiếm đầu ra.
Vụ đông những năm gần đây, bà con xã An Hòa (Quỳnh Lưu) tiếp tục gặt hái thắng lợi nhờ đưa các giống cây cho năng suất và giá trị kinh tế cao vào canh tác. Sản phẩm vụ đông sau khi thu hoạch đều được các công ty thu mua. 3 năm lại nay, phong trào làm vụ đông ở An Hòa thực sự rầm rộ; mỗi hộ tham gia trồng ít nhất 2 sào, nhiều nhất 5 - 7 sào cây vụ đông.
Vụ đông năm 2016, với 135 ha diện tích đất hai lúa, xã An Hòa cơ cấu 70 ha diện tích ngô ngọt, 13 ha ớt cay Ando 69, còn lại cơ cấu các loại rau màu như súp lơ, cải bắp...Bà Phượng, người dân xã An Hòa, cho biết, vụ đông 2016, ngoài 1 sào trồng khoai lang lấy thức ăn chăn nuôi bò, lợn, bà còn trồng hơn 2 sào ngô ngọt để bán cho Công ty XNK Đồng Giao, tỉnh Ninh Bình.
Đối với giống ngô ngọt sau 70 ngày chăm sóc, năng suất 14 - 16 tấn/ha, nếu chăm sóc tốt đạt hoảng 20 tấn/ha; ớt cay Ando 69 với thời gian thu hoạch kéo dài trong 5 tháng, bình quân 1 ha cho năng suất 30 tấn, thu nhập khoảng 200 triệu đồng/ha. Nhờ đưa các giống cây trồng có hiệu quả vào sản xuất, vụ đông năm 2016, doanh thu của xã đạt trên 10 tỷ đồng.
Ông Lê Văn Quyết - Phó Chủ tịch UBND xã An Hòa cho biết: "Địa phương xác định vụ đông là vụ sản xuất chính, góp phần tăng nguồn thu nhập cho bà con. Để phong trào vụ đông phát triển như hiện nay, chúng tôi có nhiều chính sách phù hợp để vận động bà con cùng tham gia như đưa các giống cây có hiệu quả vào canh tác, phối hợp với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; hỗ trợ 2 hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn mua máy cày về làm đất với mức thu thấp hơn giá bên ngoài 30.000 - 40.000 đồng/sào. Tập huấn và trao đổi kinh nghiệm sản xuất từng vụ để bà con đúc rút kinh nghiệm. Vụ đông năm 2017 này, địa phương sẽ nhân rộng giống ớt cay Ado 69 từ 13 ha lên 30 ha/vụ".
Tại xã Tân Sơn, một trong những địa phương cũng khá nhạy bén với phong trào sản xuất vụ đông.
Nhờ chú trọng, tập trung phát triển vào các loại cây trồng chủ lực, vụ đông năm 2016 năng suất các loại cây trồng đạt cao; Trong đó mướp đắng thu hoạch đạt 1,5 tấn/sào, cà xanh 3 tấn/sào, đậu leo 1 tấn/sào, dưa chuột 3 tấn/sào... tổng danh thu từ cây vụ đông của Tân Sơn đạt hơn 15,5 tỷ đồng.
Ông Bùi Ngọc Trúc, cán bộ nông nghiệp xã Tân Sơn cho biết, ngoài việc tổ chức sản xuất hàng hóa, xã luôn chú trọng tới việc quảng bá thương hiệu sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP. Đồng thời mở rộng thị trường, liên kết các tổ sản xuất với các đơn vị thu gom tiêu thụ sản phẩm vụ đông; tăng cường quản lý nhà nước về sử dụng thuốc BVTV, phân bón… Cùng với đó, địa phương có hơn 100 chiếc xe tải chuyên vận chuyển rau của bà con đi tiêu thụ, cung ứng cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh Huế, Đà Nẵng, Hà Nội...
Năm 2016, huyện Quỳnh Lưu gieo trồng gần 3.600 ha diện tích cây trồng vụ đông, trong đó chủ yếu là ngô với 1.077 ha , rau màu các loại hơn 1.800 ha; còn lại lạc và cây trồng khác. Năng suất, sản lượng một số loại cây trồng cao hơn so với cùng kỳ năm 2015. Trong quá trình sản xuất, nhiều địa phương cơ cấu cây trồng theo hướng liên kết sản xuất hàng hóa, gắn với bao tiêu sản phẩm.
Một số xã đã mạnh dạn xây dựng mô hình sản xuất hàng hóa vụ đông trên đất 2 lúa đem lại thu nhập cao như trồng mướp đắng, đậu với diện tích 60 ha, năng suất đạt 300 tạ/ha, tổng thu nhập 210 triệu đồng/ha, lãi thu được 100 triệu đồng/ha tại xã Tân Sơn. Trồng ngô Sugar 75 liên kết sản xuất hàng hóa tại xã An Hòa, diện tích 20 ha, năng suất 110 tạ/ha, tổng thu nhập 48 triệu đồng/ha, thu lãi 35 triệu đồng/ha. Trồng mướp hương tại xã Quỳnh Giang trên đất 2 lúa, quy mô diện tích 1ha, tổng thu nhập 600 triệu đồng/ha. Sản xuất ớt cay tại xã An Hòa với diện tích:13 ha, tổng thu nhập 140 triệu đồng/ha…
Thực hiện kế hoạch sản xuất vụ đông năm 2017, Quỳnh Lưu cơ cấu sản xuất khoảng 3.810 ha. Đối với thời vụ gieo ngô, bắt đầu từ ngày 5/9 và kết thúc vào ngày 10/10, tùy thuộc vào điều kiện đất từng vùng. Đối với lạc, kết thúc gieo trồng vào ngày 10/9; các loại rau màu bố trí thời vụ từ tháng 9 trở đi và gieo trồng nhiều lứa/vụ...
Theo ông Đậu Đức Năm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu, chuẩn bị cho sản xuất vụ đông năm 2017, huyện khuyến khích các xã lồng ghép, sử dụng nguồn hỗ trợ đất trồng lúa và các chính sách khác để xây dựng mô hình sản xuất hàng hóa, cánh đồng lớn gắn với hợp tác, liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản, đưa cơ giới, máy làm đất, thu hoạch trong vụ Đông. UBND huyện hỗ cũng trợ 20% giá giống ngô, 50% giá giống bí xanh, bí đỏ trồng trên đất 2 lúa.
Việt Hùng - Phương Thúy