Vụ bê bối của Lactalis, hãng sữa hàng đầu Pháp
Phát hiện từ tháng 12/2017, vụ bê bối sữa dành cho trẻ sơ sinh bị nhiễm khuẩn Salmonella tại nhà máy sữa Lactalis đang được dư luận Pháp rất quan tâm. Tính đến ngày 9/1, Bộ Y tế Pháp đã xác định được 35 trẻ sơ sinh bị nhiễm khuẩn Salmonellosis.
Nguyên nhân được xác định là các em bé này đã dùng sữa hoặc thức ăn dành cho trẻ sơ sinh sản xuất tại nhà máy Lactalis ở Crion, Mayenne. Mười tám trẻ sơ sinh đã phải nhập viện nhưng sau đó đã được xuất viện.
Trong một bài phát biểu hôm 11/1, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Pháp Bruno Le Maire đã mô tả tình hình “nghiêm trọng” và những người gây ra những rối loạn không thể chấp nhận này phải bị xử phạt. Thông báo của Bộ trưởng Maire là một phần của cuộc điều tra về vụ bê bối sữa thực hiện từ ngày 26/12/2017.
Trước đó, Tổng cục Cạnh tranh, Bảo vệ người tiêu dùng và Kiểm soát gian lận (DGCCRF) đã tiến hành thu hồi các sản phẩm có liên quan tại 2.500 cơ sở.
Kết quả kiểm tra cho thấy 91 hộp thu được tại 30 siêu thị lớn, 44 nhà thuốc, 2 nhà trẻ, 12 bệnh viện, 3 nhà bán sỉ có vấn đề và được tiêu hủy ngay lập tức. Ông Maire cũng cho biết, DGCCRF sẽ tiến hành một đợt điều tra mới tại 2.500 cơ sở vào tuần tới đây.
Bộ trưởng Bộ Kinh tế Pháp thẳng thắn về việc hãng sữa Lactalis phải chịu trách nhiệm chính trong cuộc khủng hoảng và vụ việc đã được đưa ra tòa để làm việc.
Ông Maire nhấn mạnh, vì những tắc trách của hãng Lactalis, chính phủ Pháp đã phải đưa ra lệnh đình chỉ và cho thu hồi hơn 600 lô sữa trẻ sơ sinh tương đương khoảng 11.000 tấn sữa từ hôm 9/12.
Trong lần làm việc với hãng, công ty sữa này đã “đồng ý với số lượng thu hồi” nhưng “hợp tác chưa đầy đủ” với cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, từ ngày 11 - 13/12/2017, DGCCRF đã kiểm ra và nhận thấy các lô hàng xuất và nhập không nhất quán, thậm chí là bị thiếu. Sau đó, phía Lactalis đã xác định có 5 lô hàng bị mất tích.
Trong một động thái khác, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên tiếng đảm bảo rằng sẽ “trừng phạt” thích đáng và “vấn đề an toàn thực phẩm vẫn đang được đảm bảo ở Pháp”.
Còn về phần mình, ông Michel Nalet, người phát ngôn của hãng sữa Lactalis cho biết công ty đã làm việc ngay khi vụ bê bối xảy ra cũng như “hợp tác tích cực với tất cả các cơ quan chức năng". Ông Michel Nalet một lần nữa bày tỏ lời xin lỗi với những bậc cha mẹ có thể mua phải sữa bị nhiễm khuẩn.
Lộ rõ yếu kém của hệ thống phân phối sản phẩm
Vụ bê bối của hãng Lactalis càng được dư luận chú ý hơn sau khi các nhà điều tra tìm thấy trong các hệ thống phân phối hàng hóa có 984 sản phẩm không có giấy phép đã bán cho 782 khách hàng.
Đáng nói, trước đó, chính quyền đã tiến hành kiểm tra trên khắp cả nước để đảm bảo các sản phẩm sữa bị nhiễm khuẩn phải được gỡ bỏ khỏi kệ hàng, hàng tồn kho trong tất cả các hệ thống phân phối từ bệnh viên, cửa hàng, siêu thị và nhà thuốc.
Sau phát hiện này, nhiều nhà phân phối là các siêu thị lớn ở Pháp thừa nhận, họ đã phát hiện ra những sai sót trong hệ thống để loại bỏ những sản phẩm có khả năng nhiễm khuẩn Salmonella do hãng Lactalis sản xuất.
Cụ thể, như tại Carrfour, sau khi có lệnh thu hồi sữa vẫn có 434 sản phẩm của Lactalis được bán cho khách hàng, tại Auchan con số này là 52 sản phẩm, 384 sản phẩm tại Systeme U. Theo một thông tin khác, mặc dù cơ quan chức năng đã áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để thu hồi sản phẩm sữa nhiễm khuẩn của Lactalis. Song người ta vẫn thấy 352 sản phẩm đáng lẽ phải bị thu hồi ở siêu thị Geánt, siêu thị Casino, các cửa hàng tiện lợi và 11 sản phẩm tại Franprix.
Tất nhiên, đây chỉ là một con số nhỏ những nhà phân phối trong hệ thống phân phối lớn, rộng khắp của Pháp. Điều này có nghĩa là còn nhiều sản phẩm sữa nhiễm khuẩn của Lactalis chưa bị thu hồi.
Những con số trên một lần nữa cho thấy hệ thống phân phối ở Pháp hoạt động chưa hiệu quả. Nhất là khi Auchan từng cho biết siêu thị này thậm chí đã “nhận được 1 lô hàng trong đó có những sản phẩm sữa Lactalis bị thu hồi hôm 21/12”.
Nguyên nhân của những vấn đề trên được một số hệ thống bán lẻ giải thích là do nhiểu yếu tố tạo thành. Như vì lý do vào mùa lễ, các nhà phân phối phải nhập một lượng lớn hàng nên không thể tập trung kiểm soát được sản phẩm sữa dành cho trẻ sơ sinh…
Về phần DGCCRF, lý giải về những sai sót trên, cơ quan này cho rằng “quá trình rút/thu hồi sản phẩm được thực hiện trên cơ sở tự nguyện hoặc theo quyết định của Bộ trưởng và do nhà sản xuất chịu trách nhiệm thực hiện. Nhà sản xuất sẽ phải xác định các phương tiện cần thiết để đảm bảo hiệu quả hoạt động”.