Sách Đại Nam thực lục (chính biên, đệ nhị kỷ) kể rằng năm Minh Mạng thứ 18 (1837), quân lính tỉnh Quảng Ngãi áp giải 42 phạm nhân đi đường thủy đến đồn điền thành Trấn Tây để làm lao động khổ sai. Tuy nhiên, lính canh giữ lại chỉ có 13 người.
Viên suất đội Nguyễn Văn Lực lại ăn của đút lót nên cho sáu người lính nghỉ việc. Do lực lượng mỏng, khi thuyền mới đến cửa biển Cầu Huân (tỉnh Khánh Hòa) để nhận thêm củi, nhóm phạm nhân đã đánh, đẩy các lính canh xuống nước để cướp thuyền trốn đi.
Sự việc được báo đến tai vua. Nguyễn Văn Lực phải chịu tội thắt cổ. Triều đình giao Bộ Hình tìm cách bắt lại những kẻ này. Các tỉnh ven biển từ Bình Định đến Hà Tiên, ai bắt được cả bọn sẽ nhận thưởng 300 quan tiền, bắt được một người cũng được thưởng hậu. Lệnh cũng nêu rõ, người nào chứa chấp, che giấu cũng phải chịu như những kẻ bỏ trốn.
Vua Minh Mạng dụ Bộ Hình rằng: “Lũ tù phạm ấy phần nhiều là tội lưu được khoan hồng giảm tội phát đi làm binh, sung vào đồn điền thành Trấn Tây có đất để ở, có ruộng làm ăn, có khổ sở gì đâu mà lại trái mệnh lệnh, tự nhận lấy cái vạ chết cả họ”.
Sau đó, đề phòng các sự việc tương tự, nhà vua truyền chỉ cho các tỉnh từ Thừa Thiên đến Bình Thuận, khi áp giải tù nhân đến thành Trấn Tây đều phải khóa xích cẩn thận. Số binh lính làm nhiệm vụ phải tương đương với số tù nhân, không để xảy ra việc bất trắc vì thiếu người.
Các tướng giữ thành Trấn Tây khi tiếp nhận tù nhân phải tính toán chia đều về các địa phương, không cho tụ cả một nơi. Chỉ dụ nêu rõ: “Xét thấy đứa nào không yên bản phận, gian dối hoặc có lòng bất trắc, cho chém trước rồi mới tâu, chớ nên cẩu thả”.
Triều đình cũng thông báo mỗi lần điều binh lính, người phụ trách phải tự kiểm tra quân số, thiếu một người sẽ bị trừng trị. Quan được giao trách nhiệm mà lơ là trong việc này sẽ bị trị tội nặng.
Sau đó ít lâu, triều đình đã cách chức viên quan án sát tỉnh Quảng Ngãi là Đặng Kim Giám với lý do để "xảy ra tù phạm đánh lính áp giải, làm việc vấp váp, kiến thức tầm thường, khó mong làm nên công trạng”.
Dụ của vua Minh Mạng còn phê rằng: “Đặng Kim Giám có công nhỏ, được cất nhắc đến chức quan đầu tỉnh, thế mà chưa làm được mấy điều tốt, bừa bãi có tiếng, lầm lỗi rất nhiều, nhiều lần tạm phạt nhẹ, chưa nỡ đuổi ngay".