Ngày 24/5, ngày thứ tám xét xử vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, các luật sư tiếp tục phần tranh tụng và nêu quan điểm về trách nhiệm của nguyên giám đốc bệnh viện Trương Quý Dương. Ông Dương trước đó liên tiếp không đến tòa.
Luật sư Trần Vũ Hải (bào chữa cho bị cáo Bùi Mạnh Quốc) đề nghị xem xét trách nhiệm của cơ quan điều tra và đại diện viện kiểm sát. Họ đã để “vụ án đi vào bế tắc và kéo dài” khi không mời được nguyên giám đốc Trương Quý Dương đến tòa. Đang có tranh chấp dân sự về kinh tế, cơ quan điều tra lại để ông Dương xuất cảnh ra nước ngoài.
Luật sư Hải cho rằng, đây là sự cố y khoa lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam. Trong khi đó Bộ Y tế không ban hành quy trình lọc máu và vận hành hệ thống lọc nước RO, sau khi xảy ra vụ án mới ban hành quy chế. Bởi vậy ông Hải kiến nghị xử lý trách nhiệm của Bộ Y tế.
Luật sư Nguyễn Danh Huế nhấn mạnh, bệnh viện đa khoa Hòa Bình không có lỗi mà trách nhiệm phải của người đứng đầu. Ông Huế cũng kiến nghị triệu tập ông Trương Quý Dương từ trước và trong khi diễn ra phiên tòa nhưng HĐXX không thực hiện. "Việc vắng mặt ông Dương tại tòa hoàn toàn có thể gây oan sai", ông Huế nói.
Theo ông Huế, công ty Thiên Sơn “rất vô trách nhiệm” khi bán thầu xong không giám sát thực hiện. Đây là nút thắt để xảy ra sự cố khiến 9 người chết.
Tranh luận lại về việc xuất cảnh của ông Trương Quý Dương, công tố viên khẳng định không có cơ sở cấm xuất cảnh bởi ông Dương không phải là bị can, bị cáo hay người sắp bị khởi tố. Cơ quan điều tra và đại diện viện xác định tư cách ông Dương là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Đại diện công ty Thiên Sơn thì cho rằng không bán hợp đồng như nhiều luật sư nêu. Quốc vẫn làm việc với danh nghĩa là người của Thiên Sơn và họ chịu mọi trách nhiệm với bệnh viện.
"Bệnh viện đa khoa Hòa Bình rất vô trách nhiệm"
Luật sư Nguyễn Tiến Thủy (bào chữa cho bị cáo Trần Văn Sơn) cho biết vấn đề liên quan chỉ số AAMI cần phải xem xét lại bởi không có tính khả thi. Pháp luật không quy định bắt buộc phải xét nghiệm AAMI, nên người sử dụng không xét nghiệm thì trách nhiệm thuộc về ai. Ở đây cũng không có hội đồng chuyên môn am hiểu về chuyên ngành y tế để đánh giá một cách khách quan nhất.
Đồng tình, luật sư Huế cho rằng, chính Công ty Thiên Sơn cũng không hiểu việc xét nghiệm AAMI là gì chứ không riêng bệnh viện. Nguyên nhân mấu chốt khiến 9 nạn nhân tử vong khi đang chạy thận là do Thiên Sơn chuyển nhượng “gói thầu” cho một công ty không có năng lực như Trâm Anh. Giám đốc công ty Trâm Anh là Bùi Mạnh Quốc không được đào tạo, chỉ làm việc bằng “12 năm kinh nghiệm”.
Đại diện Thiên Sơn cho rằng “Bệnh viện đa khoa Hòa Bình rất vô trách nhiệm và coi thường tính mạng người khác”. Các bác sĩ, điều dưỡng đều không biết gì về quy trình xét nghiệm AAMI. “Bác sĩ và điều dưỡng đổ lỗi hết cho Thiên Sơn và nhà sản xuất máy. Đây là hành vi coi thường pháp luật”, vị đại diện nói.
Người này đề nghị bệnh viện phải “lưu ý trách nhiệm của mình” khi từ quản lý đến bác sĩ, nhân viên đều không nhận trách nhiệm. Sự cố xảy ra do “cẩu thả của lãnh đạo và cán bộ bệnh viện” mà lại đi đổ lỗi cho Công ty Thiên Sơn và nhà sản xuất máy.
Đại diện viện kiểm sát phản bác, luật sư nói Sơn không biết việc xét nghiệm AAMI là không đúng. Sơn chính là người lập đề xuất sửa chữa và báo giá thiết bị nên phải biết việc xét nghiệm AAMI. Cụ thể, ngày 29/5/2017, Sơn cũng đến đơn nguyên thận nhân tạo để lấy mẫu nước đi xét nghiệm nhưng do máy đã vận hành nên không lấy được nước. "Nếu Sơn không biết việc xét nghiệm AAMI thì tại sao lại có hành động trên" - công tố viên đặt câu hỏi.
"Cần truy trách nhiệm trưởng phòng vật tư bệnh viện"
Về trách nhiệm để xảy ra sự cố, luật sư Nguyễn Tiến Thủy cho rằng, chiếu quy chế Bộ Y tế ban hành, người đầu tiên phải chịu trách nhiệm là ông Trần Văn Thắng (Trưởng phòng vật tư). Ông Thắng phải là người đầu tiên kiểm tra các thiết bị sau đó chuyển sang cho điều dưỡng. Tuy nhiên, chưa ai hỏi rõ về cơ cấu tổ chức của điều dưỡng khiến nhiều người lầm tưởng họ thuộc đơn nguyên thận nhân tạo.
Tuy nhiên, đại diện VKS nói Sơn đã được trưởng phòng vật tư Trần Văn Thắng phân công cụ thể và ghi trên tấm bảng treo ở khoa. Ông Thắng hoàn toàn có quyền phân công nhiệm vụ cho cấp dưới của mình. Chính bị cáo Sơn cũng thừa nhận làm việc quản lý, sửa chữa từ năm 2013.
Đồng tình quan điểm của VKS, luật sư Nguyễn Danh Huế cho biết trưởng khoa có nhiệm vụ phân công công việc cho nhân viên. Việc ông Thắng phân công nhiệm vụ cho Sơn là chính xác.
Chiều 23/5, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (PGS.TS Y học) cho biết, ông theo dõi rất sát phiên tòa vì đây là sự sự kiện quan trọng với ngành y. Ông thấy một điều bất thường là nhiều chứng cứ được đưa ra, nhân chứng được luật sư đề nghị mời tới nhưng đều không được tòa chấp nhận. Trong phiên tòa cũng lộ ra nhiều vấn đề mờ ám xoay quanh hợp đồng, việc đưa thêm vào biên bản họp các quyết định, phân công... Đại biểu Quốc hội nói, những chuyện này không thể bỏ qua được.
Việc nguyên giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình vắng mặt tại tòa, ông Hiếu nhận xét "không thể chấp nhận được". Dù chưa bị chứng minh có tội và bị cách chức giám đốc sau sự cố, nhưng bệnh viện do ông ta từng quản lý thì phải có trách nhiệm chứ không thể bỏ đi như thế