Trả lời báo chí, một lãnh đạo VTV cho biết: “Chúng tôi luôn nỗ lực để mua được bản quyền. Nhưng sự nỗ lực này phải đến từ hai phía. Đối tác tỏ ra khá “rắn” và không chịu hạ giá. Nếu họ không giảm thì VTV không mua nổi”.
Theo FIFA công bố, 9 trong số 11 nước tại khu vực Đông Nam Á đã có bản quyền World Cup 2018, bao gồm cả Lào, Campuchia... Việt Nam và Myanmar là hai quốc gia chưa mua được bản quyền phát sóng.
Tại Việt Nam, mua bản quyền truyền hình các giải thể thao lớn luôn gặp khó khăn khi đối tác thường “hét giá” cao. World Cup 2006, Công ty FPT mua bản quyền truyền hình với giá 2 triệu USD.
Đến World Cup 2010 thì giá bản quyền tăng gần gấp đôi, lên con số 3,5 triệu USD. Tuy nhiên, con số trên chưa là gì so với kỳ World Cup được tổ chức tại Brazil. Nhận thấy sự cuồng nhiệt bóng đá của người hâm mộ Việt Nam, MP&Silva đã chào hàng với giá 14 triệu USD trước World Cup 2014.
VTV là nhà đài duy nhất theo được, nhưng cũng phải “mặc cả” với đối tác suốt nhiều tháng, trước khi chốt lại con số được cho là hợp lý nhất, khoảng 7 triệu USD.
Ở World Cup năm nay, ngoài VTV, các đài khác đều “nói không” với việc mua bản quyền World Cup vì không đủ sức chi trả số tiền quá lớn. Tuy nhiên, VTV cũng không thể độc quyền được World Cup.
Ông Lê Đình Cường, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam, cho biết FIFA có yêu cầu tất cả quốc gia nên phát sóng World Cup trên đài quảng bá để phục vụ công chúng.
Do đó, nếu VTV mua được cũng không được độc quyền mà buộc phải chia sẻ theo một trong hai hình thức: hoặc các đài khác tiếp sóng sạch hoặc tiếp trọn gói cả trận đấu lẫn logo của VTV kèm quảng cáo trước, trong và sau trận đấu.
VCK World Cup 2018 diễn ra tại Nga từ ngày 14/6 đến 16/7 với sự tham gia của 32 đội tuyển. Có tổng cộng 64 trận đấu diễn ra trên 12 SVĐ ở 11 thành phố trong hơn 1 tháng tranh tài của World Cup 2018.
Trận khai mạc diễn ra vào ngày 14/6 trên SVĐ Luzhniki (Moscow) giữa đội tuyển Nga và Ả Rập Xê Út. Trận chung kết cũng được tổ chức tại địa điểm này vào ngày 15/7.