Hiểu một cách đơn giản, Liên đoàn bóng đá Việt Nam – VFF là cơ quan cao nhất, quyết định những vẫn đề cơ yếu của bóng đá Việt Nam về mặt pháp lý thì nhiệm vụ trực tiếp tổ chức thuộc về VPF. Không thể phủ nhận vai trò của VPF trong lịch sử phát triển của giải đấu cao nhất Việt Nam, là đại diện cho tiếng nói của các CLB tại V.League, nhưng VPF đang thiếu đi sự quyết đoán cần thiết của một nhà tổ chức lớn.
Mùa 2020, VPF thực sự đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình thì năm 2021, khi dịch bệnh trở nên phức tạp hơn, BTC của V.League 2021 đã trở tay không kịp. Liệu có một sự chủ quan nào đó hay không? Sẽ chẳng có gì phải lúng túng, bàn cãi nếu rút kinh nghiệm từ mùa bóng 2020, những nhà tổ chức chuẩn bị nhiều phương án có thể xảy ra.
Dường như ngay từ đầu, điều lệ của V.League 2021 đã thiếu đi một dòng rất quan trọng. Đó là phương án, kết cục cho việc hủy giải trong những trường hợp bất khả kháng thì đã không có chuyện các CLB bất đồng quan điểm với cách làm của VPF. Bởi dịch bệnh, thiên tai hay bất kỳ yếu tố ngoại cảnh nào là không thể lường trước.
Ngay từ đầu, việc xúc tiến đá tiếp, tạm hoãn rồi lại dự kiến tiếp tục vào tháng 2/2022 và cuối cùng “hủy giải” là hàng loạt những pha xử lý tương đối cồng kềnh và thiếu quyết đoán của VPF. Nếu không sớm hủy, không ai dám chắc vào thời điểm đó, dịch bệnh có thể được kiểm soát hoàn toàn và sẽ an toàn cho thành viên các đội bóng, khán giả. Chỉ riêng việc hoãn hay không hoãn, hủy hay không hủy đã mất khá nhiều thời gian.
Dịch bệnh khiến mọi thứ đều bị ảnh hưởng, không riêng gì bóng đá và V.League hay hạng Nhất không thể tiếp tục, đành rằng VPF cũng sẽ “khó khăn khó nói” với các nhà tài trợ, khó đảm bảo quyền lợi của nhà tài trợ. Cổ đông và đại diện các CLB hiểu, các thành viên HĐQT của VPF chẳng lẽ không hiểu chuyện “lời ăn, lỗ chịu” trong bài toán kinh tế?
Ngược lại, các CLB cũng chẳng vui vẻ gì, thấp thỏm hoang mang, nặng gánh về bài toán tài chính, quyết toán và nỗi lo trụ hạng, rớt hạng. Nên nhớ rằng các CLB cũng khó khăn trong việc phải đảm bảo quyền lợi cho các nhà tài trợ khi trái bóng không lăn. Hợp đồng kinh tế hay hợp đồng tài trợ là câu chuyện không thể mang ra để xí xóa hay nói vui.
Một khi điều lệ của V.League còn chưa chặt chẽ, VPF còn thiếu đi một liều “vắc xin” dự phòng thì trong những lúc bối rối như thế này, không có phán quyết nào là trọn vẹn và VPF cũng thừa hiểu rõ rằng V.League, hạng Nhất là sân chơi của các CLB.
Từ việc các CLB lên tiếng phản đối cách làm của VPF mới thấy “Đồng tiền đi liền khúc ruột”, thiết nghĩ một đơn vị tổ chức sự kiện hay chính xác hơn là những HĐQT của VPF cần phải tôn trọng hơn những người bỏ tiền ra làm bóng đá lẫn những cổ đông chính của mình. Thay vì “ôn nghèo kể khổ” và có những phát biểu, phát ngôn thiếu khôn ngoan, gây tranh cãi, ông “bầu” của các đội bóng V.League là những nhà quản trị doanh nghiệp, họ có đủ phẩm chất, sự am hiểu về bóng đá lẫn về luật doanh nghiệp để yêu cầu Đại hội cổ đông bất thường.
Và hơn hết, sân chơi V.League được tạo ra với mục đích cuối cùng là để phục vụ khán giả. Bóng đá không khán giả thì đó là thứ bóng đá tẻ nhạt. Chính VPF đã từng phát đi thông điệp đầy hãnh diện mùa 2020: “Cộng đồng an toàn, bóng đá trở lại”. Một khi những yếu tố an toàn chưa được đảm bảo, vì sao không mạnh dạn đề xuất VFF dừng sớm hơn để bây giờ rơi vào thế khó.
Đứng về góc độ của khán giả, chắc chắn người hâm mộ bóng đá Việt Nam sẽ đồng tình với việc tạm xếp “món ăn tinh thần” bóng đá sang một bên. Ngoài chuyện hủy V.League được ủng hộ, công nhận đội vô địch khi khi mới trải qua được 12 vòng và khiến đội cuối bảng SLNA xuống hạng là điều bất hợp lý. Không có trọng tài nào thổi còi khi trận đấu mới kết thúc được 40 phút cho 45 phút mỗi hiệp.
Lịch sử bóng đá thế giới dường như cũng chưa có tiền lệ cho giả thiết đó. Thế nên đây là điều không cần phải bàn cãi nhiều. Ngay cả ông bầu Đoàn Nguyên Đức cũng chẳng muốn vô địch theo cách “bỏ phiếu” thì đương nhiên Ban lãnh đạo SLNA cũng cực chẳng đã mới phải đi đòi lại sự công bằng cho đội bóng cũng như cuộc chơi chung này.
Thực tế, ban lãnh đạo SLNA cũng đã rất khiêm nhường, chừng mực, Chủ tịch CLB Trương Sỹ Bá và TGĐ Trương Mạnh Linh chỉ lên tiếng 1 lần duy nhất vì họ biết SLNA vẫn còn rất nhiều việc phải làm để chuẩn bị cho tương lai. Thiết nghĩ, VFF cũng nên tính đến chuyện chuẩn bị cho VPF và V.League một vài liều “vắc xin” để trong tương lai, giải đấu Việt Nam làm tốt hơn sứ mệnh của nó. Và cũng là để giúp các CLB sống khỏe hơn, chuyên nghiệp hơn.