(Baonghean.vn) - Theo kế hoạch, ngày 3/12/2017, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) sẽ tiến hành đại hội cổ đông. Nhìn những gì đã và đang diễn ra trên sân cỏ, người hâm mộ không thể không lo lắng cho hoạt động VPF trong thời gian tới.
Đến nay, VPF đã có bề dày 5 năm tổ chức V-League, hạng Nhất lẫn Cúp quốc gia. Có thể nói bầu Kiên chính là sáng lập viên của công ty này. Ông đã quá khôn khéo để có bản hợp đồng có lợi cho VPF khi dành lại quyền quản lý, điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam nhưng chỉ phải nộp lại cho VFF 10 tỉ đồng. Số tiền này được mặc định sẽ dùng cho công tác đào tạo trẻ, hoạt động của các ĐTQG và các hoạt động khác. Đáng tiếc là do vướng vào vòng lao lý nên bầu Kiên không thể tiếp tục tham gia các hoạt động của VPF, tất nhiên vì thế các giải bóng đá do VPF đang lâm vào tình trạng “rượu cũ, đựng bình cũ”.
Dẫm chân tại chỗ
Một trong những chỉ tiêu quan trọng của bóng đá chuyên nghiệp là số lượng khán giả đến sân, V-League 2017 có 1.017.700 lượt khán giả đến sân, giảm 11,3% so với mùa bóng trước. Tuy nhiên, có tăng nhẹ hơn những năm trước đó, số liệu năm 2015 là 8.024, năm 2014 là 7.139 và năm 2013 là 9.028.
Điểm yếu lớn nhất trong 17 mùa giải V-League, trong đó có 5 năm do VPF điều hành chính là công tác trọng tài vẫn không có nhiều cải thiện. Điển hình nhất là vụ các cầu thủ Long An “đứng hình tập thể” phản ứng trọng tài Nguyễn Trọng Thư trên sân Thống Nhất vòng 6 ngày 19/2/2017. Rồi sau đó, vụ các cầu thủ FLC Thanh Hóa phản ứng dữ dội sau bàn thắng của Văn Thanh (HAGL) khiến trọng tài Trần Xuân Nguyện “bẻ còi”. Cũng chính các cầu thủ FLC Thanh Hóa, vòng 23 phản ứng dữ dội trọng tài Trần Văn Lập, khi Luiz của Long An đã đưa bóng vào lưới, thậm chí trợ lý 2 Minh Đăng đã di chuyển lên giữa sân, ký hiệu công nhận bàn thắng. Nhưng bị quây lại phản ứng, sau 2 lần hội ý, trọng tài Trần Văn Lập lại “bẻ còi”. Những sai lầm nối sai lầm của các trọng tài đã khiến V-League chao đảo, niềm tin của các đội bóng dành cho vua sân cỏ đi về con số 0, kèm theo đó là các khán đài vắng ngắt.
Năm nay, lần đầu tiên dư luận đề nghị kỷ luật Ban kỷ luật vì dung túng cho bạo lực sân cỏ Ban kỷ luật VFF bị phản ứng vì vô trách nhiệm trong công tác xử phạt. Ở vòng 2 V-League năm nay, Hoàng Vũ Samson vào bóng thô bạo với Châu Ngọc Quang (HA Gia Lai), nhưng không bị xử lý. Chỉ đến khi Tổng cục TDTT lên tiếng, thường trực VFF trước áp lực của dư luận mới hối thúc Ban kỷ luật VFF vào cuộc, Ban này mới “phạt nguội” Samson 2 trận không được thi đấu.
Mới đây, tình huống tiền đạo Olaha (SL Nghệ An) đánh chỏ vào mặt hậu vệ Huy Hoàng của Khánh Hoà, băng hình cũng ghi lại rõ ràng tình huống này, BTC và VPF có văn bản đề nghị Ban kỷ luật VFF xử lý nghiêm, nhưng vẫn không có án phạt nào được đưa ra. Trưởng Ban kỷ luật Nguyễn Hải Hường đang làm mất niềm tin của người hâm mộ và vô hình trung cỗ vũ bạo lực sân cỏ.
Không hiểu 16 cổ đông thành viên của Công ty VPF sẽ mổ xẻ, phân tích năm hoạt động này như thế nào?.
Thay đổi nhân sự?
Nếu chuyện các giải đấu đã và đang để lại những hình ảnh xấu trong mắt người hâm mộ thì tình hình kinh doanh cũng không khá khẩm là bao. Năm tài chính 2017, phần thu là 190 tỷ đồng (tăng khoảng 14 tỷ) thì VPF đã tiêu hết….190 tỉ, còn trong két vài trăm triệu đồng. Theo đó, riêng chi phí quản lý doanh nghiệp của VPF trong năm 2017 lên tới hơn 11 tỉ đồng, lương của CEO cũng xấp xỉ 60 triệu đồng/tháng. Cái chính là với những kết quả thu được VPF đang đứng trước rất nhiều khó khăn trong việc vận động tài trợ.
Sau 3 năm tài trợ cho V-League, công ty Toyota của Nhật Bản sẽ hết hợp đồng vào cuối mùa giải này và sẽ không gia hạn. Việc Toyota không tiếc tiền tài trợ 8 triệu USD/mùa cho Thai League nhưng lại không tái ký hợp đồng với V-League khiến cho VPF sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Khi “ốc không mang nổi ốc” thì nhiệm vụ năm 2017 “Công ty VPF sẽ tiếp tục cổ gắng nhiều hơn nữa để duy trì và phát triển nguồn thu cho công tác tổ chức giải, không chỉ hỗ trợ chi phí cho các CLB mà còn phải tìm nguồn thu từ các CLB để chính CLB có thể hoạt động với nguồn thu từ bóng đá và các dịch vụ đi kèm” dường như là số 0.
Ngày 3/12 tới, VPF sẽ tiến hành Đại hội cổ đông. Chủ tịch HĐQT Võ Quốc Thắng từng đề cập nguyện vọng xin nghỉ. Một phần là do quá mệt mỏi với công việc nhưng không thay đổi được cục diện sân cỏ Việt Nam theo hướng tích cực. Phần nữa thì doanh nghiệp của bầu Thắng được biết cũng đang nợ VPF nhiều tỷ đồng chưa thanh toán. Đã có vài phương án nhân sự cấp cao được đưa ra, ai sẽ chèo chống con thuyền VPF lúc này đây?
AT