(Baonghean.vn) - Trong những ngày mưa lũ, người dân ở địa bàn 2 huyện Tương Dương và Kỳ Sơn rủ nhau ra sông để vớt củi. Có một số người "vớ bở" từ việc làm nguy hiểm này.

images1958017_2.jpgNhững khúc gỗ lớn được ông Lương Văn Hoàng vớt ngày 21/7. Ảnh: PV

Người vớt củi chủ yếu là những cư dân sống ở ven các con sông lớn như Nậm Nơn, Nậm Mộ, sông Lam... Có rất nhiều gỗ và cả những cây gỗ to đang tươi từ thượng nguồn các con sông theo dòng lũ đổ về. 

Điều đặc biệt, lũ càng lớn thì lượng gỗ củi đổ về càng nhiều. Một số người may mắn vớt được những khúc gỗ đó trị giá tiền triệu.

Trường hợp ông Lương Văn Hoàng, trú tại xóm Cầu Tám, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn là một ví dụ. Trong lúc vớt củi ông Hoàng đã vớt được một khúc gỗ be (tên địa phương) có đường kính gần 150 cm, dài gần 15m.

Khúc gỗ nói trên được ông Hoàng vớt vào chiều ngày 21/7 trên sông Nậm Mộ đoạn qua xóm Cầu Tám nơi ông sinh sống. Khúc gỗ có màu nâu đỏ. Nơi lớn nhất của nó có đường kính gần 1,5 m, nơi hẹp nhất chừng 1m.

Khúc gỗ do ông Hoàng vớt được chỗ to nhất có đường kính gần 1,5 m. Ảnh: PV

Hiện tại chưa ai biết biết đích xác tên của loài gỗ ông Hoàng vớt được là gì, chỉ biết rằng người dân nơi đây gọi nó là gỗ be. Giá của 1m3 gỗ này khoảng 4 - 5 triệu đồng. Cây gỗ nói trên của ông Hoàng có giá hơn 15 triệu đồng. Ngay sau khi vớt lên có rất nhiều người đến hỏi mua nhưng ông Hoàng chưa bán.

Ông Hoàng cho biết, do khúc gỗ lớn quá, dòng nước chảy mạnh nên sau khi thấy khúc gỗ ông Hoàng đã phải huy động hơn 6 người đàn ông to khỏe trong xóm và mất 1 giờ đồng hồ để đưa khúc gỗ vào bờ và sau đó phải nhờ đến máy tời mới đưa được nó lên đường. Ngay sau khi đưa lên ông Hoàng đã thuê người cắt thành 3 khúc. Tổng khối lượng gần 4m3.

Người dân vớt được rất nhiều gỗ củi trong những ngày lũ về. Ảnh: Đình Tuân

Được biết địa bàn Kỳ Sơn không có loài gỗ này. Một số dân bản địa cho rằng, cây gỗ lớn như thế chỉ có thể trôi từ Lào theo dòng Nậm Mộ về Việt Nam.

Không chỉ riêng ông Hoàng, có rất nhiều người cũng "vớ bở" qua đợt lũ. Ngoài có tiền từ việc vớt gỗ, củi bán, nhiều người còn bắt được cá lăng (loài cá có giá trị ở miền Tây Nghệ An) trong dòng lũ.

Tuy nhiên, không chỉ có người lớn mà trẻ nhỏ cũng tham gia vớt củi giữa dòng lũ cuồn cuộn. Đặc biệt, những người vớt củi giữa dòng lũ không có dụng cụ cứu sinh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị lũ cuốn./.

PV

TIN LIÊN QUAN