(Baonghean.vn) - Xóm 5 xã Thanh Văn (Thanh Chương) từ lâu không chỉ được biết đến là vùng quê hiếu học, mà còn nổi tiếng có nghề truyền thống làm trống độc đáo. Tuy chỉ có rất ít hộ làm song trống ở đây rất chất lượng bởi âm thanh vang vọng.
Làm trống phải qua nhiều công đoạn, nhưng có 3 việc chính: căng da, làm tang và bưng trống. Da trống được làm từ da trâu, bò. Da của con vật càng già thì độ bền và âm thanh của trống càng tốt. Sau khi mua về, da súc vật được bào mỏng, căng đều và phơi nắng. Tang trống làm từ gỗ mít dẻo, nhẹ, ít co dãn, vừa cho tiếng trống vang. “Da trâu, gỗ mít, đánh ít kêu nhiều”. Gỗ mít được đưa vào máy, cưa thành những thanh dăm, cong, đều, tùy thuộc vào từng loại trống. Tang trống được định hình trong những đai tre từ các thanh dăm lắp ghép với nhau. Khi chuẩn bị bưng trống, người thợ sẽ đem tang trống ra bào chuốt cho tròn đều, cân đối. Công đoạn néo da quyết định âm thanh của tiếng trống. Cho tang trống lên bệ néo, cần hai người cầm da cho cân đối, để áp vào tang trống và néo lại bằng những sợi dây thừng. Để căng da trống, sau mỗi lần dẫm lên da trống, người thợ lại cho kích đẩy trống lên một chút, cứ như thế cho tới khi da trống căng và gõ vào tiếng vang như ý muốn. Để cố định da trống vào tang trống, người thợ phải khéo léo đục lỗ và chốt vào đó những dãy đinh tre. Từ trống nhỏ (đường kính mặt trống khoảng 0,2m) đến trống to (1,5m…) đều được chốt những dãy đinh tre đều đặn, đẹp mắt. Trống sau khi bưng, được mài trơn, đây là công đoạn cuối cùng hoàn thiện 1 chiếc trống. Nếu người mua cần gắn quai trống cho tiện treo, xách cũng sẽ được lắp thêm. Các cơ sở làm trống, không chỉ sản xuất trống mới, mà còn nhận tu sửa tất cả các loại trống. Trống được làm sẵn, khách hàng có thể đến chiêm ngưỡng, chọn mua. Giá trống từ 500 nghìn đồng đến hàng chục triệu đồng/ chiếc. Trống ở đây bán chạy hơn vào các dịp lễ, Tết, hội Xuân. Nghề làm trống ở Thanh Văn được duy trì, phát triển. Huy Thư