Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý về dự thảo thông tư quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu của Bộ Giao thông Vận tải, trong đó đề nghị bỏ hai giấy tờ về nhập khẩu xe ôtô theo tinh thần thông tư mới này.
Hướng đến bảo dưỡng, bảo hành chính hãng
Dự thảo thông tư này gây sự chú ý bởi được ra đời trong bối cảnh Thông tư 20 áp dụng đối với mặt hàng ôtô nhập khẩu nguyên chiếc dưới 10 chỗ ngồi đã hết hiệu lực từ ngày 1/7/2016, đang gây tranh cãi giữa một bên muốn tiếp tục gia hạn, một bên muốn gỡ bỏ.
Trước đó, trong văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chấp thuận việc bãi bỏ Thông tư 20, song lại kiến nghị Chính phủ giao cho Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành sớm các quy định trong nước có tác dụng tương đương Thông tư 20, áp dụng tại khâu đăng ký lưu hành và áp dụng chung cho tất cả các loại phương tiện đường bộ, bảo đảm xe được bảo hành, bảo dưỡng hoặc sửa chữa theo đúng thông lệ quốc tế và đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn của Việt Nam.
Như vậy, thay vì dùng giấy ủy quyền của nhà sản xuất để quản lý thì thông điệp của Bộ Công Thương hướng đến việc bảo dưỡng, bảo hành chính hãng. Như vậy, người sử dụng xe tại Việt Nam phải có giấy đảm bảo của nhà sản xuất về bảo dưỡng, bảo hành.
“Tất cả các loại phương tiện, nếu không được chính hãng sản xuất, hoặc người được chính hãng sản xuất ủy quyền, đứng ra chịu trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng đều không được phép đăng ký lưu hành tại Việt Nam”, Bộ Công Thương đề xuất.
Do đó, dự thảo của Bộ Giao thông Vận tải được chú ý với các điều khoản có tính chất kéo dài những điều kiện của Thông tư 20. Trong đó, tại điều 5 của dự thảo có quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu chỉ cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu xe trực tiếp từ nhà sản xuất mà loại bỏ các doanh nghiệp nhập khẩu xe thông qua nhà phân phối.
Theo đó, hồ sơ nhập khẩu buộc phải có “bản chính giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất cấp cho xe cơ giới thực tế nhập khẩu hoặc phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng”.
VCCI cho rằng, giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất hoặc phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng thực chất là giấy tờ do nhà sản xuất phát hành cùng với mỗi chiếc xe cụ thể nhằm chứng nhận rằng chiếc xe đó đã được nhà sản xuất kiểm tra chất lượng trước khi ra khỏi nhà máy và đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng do nhà máy đó cam kết.
“Trong các trường hợp phải kiểm tra thực tế tại Việt Nam, nếu yêu cầu thêm bản chính giấy chứng nhận và phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng như tại dự thảo là không cần thiết, gây khó khăn, phức tạp về thủ tục hành chính mà không có tác dụng bảo đảm chất lượng xe theo quy định của pháp luật Việt Nam”, theo VCCI.
“Bỏ qua quyền lợi người tiêu dùng”
VCCI cũng cho rằng, việc kiểm tra chất lượng xe nhập khẩu tại Việt Nam đang được tiến hành rất chặt chẽ bao gồm nhiều phương thức kiểm tra tương ứng với từng loại phương tiện.
Bên cạnh đó, nếu một phương tiện không có giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất hoặc phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng nhưng vẫn vượt qua được vòng kiểm tra nghiêm ngặt của cơ quan đăng kiểm Việt Nam thì tức là vẫn đáp ứng các yêu cầu chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo pháp luật Việt Nam.
Cũng theo cơ quan này, việc yêu cầu thêm giấy tờ này gây ra khó khăn, thậm chí đến mức không thể đối với các doanh nghiệp nhập khẩu xe thông qua phân phối vì các xe nhập khẩu qua một bên phân phối trung gian thì không thể có bản chính.
“Với quy định trên chỉ các doanh nghiệp nhập khẩu xe trực tiếp từ nhà sản xuất được phép và vô tình loại bỏ các doanh nghiệp nhập khẩu xe thông qua nhà phân phối. Quy định này sẽ có tác động không khác gì so với quy định phải có giấy ủy quyền chính hãng của nhà sản xuất tại Thông tư 20 của Bộ Công Thương đang được dư luận phản ánh thời gian gần đây”, VCCI nêu quan điểm.
Cơ quan này cũng cho biết, thay vì giấy ủy quyền của nhà sản xuất cho từng doanh nghiệp nhập khẩu xe, giấy tờ mới này cũng sẽ do nhà sản xuất cấp cho từng chiếc xe thông qua đó các hãng sản xuất hoàn toàn có thể bắt ép doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam phải mua xe từ nhà sản xuất thay vì có thể mua thông qua nhà phân phối.
“Đây chính là hành vi hạn chế nhập khẩu song song đã bị cấm theo điều 125.2.b của Luật Sở hữu trí tuệ”, theo VCCI.
VCCI cũng cho rằng, việc đặt ra các quy định như giấy uỷ quyền của nhà sản xuất như tại Thông tư 20 hay giấy chứng nhận chất lượng hoặc phiếu kiểm tra chất lượng của nhà sản xuất tại bản dự thảo thông tư do Bộ Giao thông Vận tải đang soạn thảo đã trao một “thương quyền quá lớn” cho nhà sản xuất tại nước ngoài, mà bỏ qua quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam.
Theo VnEconomy
TIN LIÊN QUAN