Công nghệ VAR tại World Cup đang gây ra nhiều tranh cãi, góc nhìn của ông về vấn đề này như thế nào?
Tôi nghĩ việc FIFA áp dụng công nghệ Video hỗ trợ trọng tài (VAR) tại World Cup 2018 là một điều hết sức đúng đắn. Có thể vì bước đầu nên vẫn còn một số sai sót, nhưng dù sao nó cũng trả lại sự công bằng cho bóng đá. VAR khiến cho khán giả hồi hộp hơn, cầu thủ hai đội cũng vậy. Đây cũng là một biện pháp chống lại tiêu cực của bóng đá. Nhiều người cho rằng VAR mang lại chút nhiêu khê, thế này thế kia, nhưng VAR sẽ làm cho trọng tài có trách nhiệm hơn.
Tuy nhiên, cần phải có những quy định mang tính chất cụ thể hơn để trọng tài có thể ra quyết định. Trọng tài quyết định sai thì trọng tài phải chịu trách nhiệm. Ví dụ như tình huống “bẻ còi” trong trận Nigeria gặp Argentina. Nếu xem xét lại, trọng tài sai thì phải chịu trách nhiệm và có hình thức kỷ luật. Cuối cùng, VAR chỉ là công nghệ để hỗ trợ trọng tài và mang tính chất tích cực và cần thêm những quy định rõ ràng hơn.
Vậy còn luật "Fairplay" mà FIFA đã áp dụng và là một phần nguyên nhân khiến ĐT Nhật Bản chơi một thứ bóng đá thiếu lửa?
Luật Fairplay mà FIFA áp dụng cũng rất hay. Nó không chỉ đề cao sự Fairplay trong thi đấu mà còn tránh những tình huống thô bạo, hạn chế thẻ phạt. Trước đây người ta bắt thăm để chọn ra đội xếp trên, nhưng dựa vào thẻ phạt giúp nâng cao ý thức cầu thủ rõ rệt.
Trường hợp của ĐT Nhật Bản chơi cố thủ trước Ba Lan là vì trong tình cảnh như vậy, đó chỉ là một chiến thuật thôi. Nó sẽ tạo ra một sự tư duy hơn trong chiến thuật. Điều này phải nói rằng nó đến từ hai phía chứ không riêng gì Nhật Bản. Nếu Ba Lan cần bàn thắng nhiều hơn, chiến thắng thì người cũng phải dồn lên để tranh chấp. Vì không cần tranh chấp nên hai đội mới đá như vậy, buộc phải đá an toàn.
Tuy nhiên, luật này chỉ áp dụng được ở những nền bóng đá tiên tiến. Vì trọng tài Việt Nam có thể lợi dụng thẻ phạt để đưa ra những quyết định cảm tính, rất nguy hiểm.
Ông có thể đánh giá sơ qua vòng đấu bảng và cơ hội tiến sâu dành cho những đội bóng nào không ạ?
Qua vòng đấu bảng, chỉ có một trường hợp khiến chúng ta còn tiếc nuối đó là trận Nigeria gặp Argentina mà thôi, cụ thể là tình huống không penatly. Tất cả các trận còn lại đều sòng phẳng. Đội bóng nào mạnh đều thể hiện được thực lực. Ngay cả ĐT Đức, họ trở nên lạc hậu, con người không đáp ứng được với trận đấu đỉnh cao thì chấp nhận dừng bước sớm. Nhìn chung, vòng bảng diễn ra hết sức quyết liệt. Ngay cả Nga hai trận đầu thắng tưng bừng, nhưng cũng mới để thua 0-3. Như vậy để nói rằng đội nào phải thực sự mạnh mới lọt vào vòng trong, không phụ thuộc nhiều vào may mắn.
Hôm qua, ĐT Anh thi đấu với ĐT Bỉ chưa thể hiện được sức mạnh tối đa, nhưng tôi thấy rằng năm nay ĐT Anh chơi bóng thực sự có nét và là một tập thể mạnh. Không riêng gì ĐT Anh mà sức trẻ của các đội bóng đã được thể hiện. Và trong đó có những nhân tố xuất sắc, nòng cốt làm đầu tàu thì cũng mang lại hiệu quả tốt hơn so với các đội bóng có chất lượng tương đồng nhau. Ví dụ như Anh hay Bồ Đào Nha... sẽ dễ tiến sâu hơn!”
Xin cảm ơn ông!