Nghệ An có hơn 70% số dân sống và làm việc ở nông thôn, nên việc phát triển nông nghiệp và nông thôn có ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với sự ổn định kinh tế và chính trị - xã hội. Chính vì vậy hàng năm nhu cầu vốn phục vụ phát triển sản xuất, chăn nuôi ở khu vực nông thôn rất lớn.
Ông Phan Đức Tiến - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp (NN) tỉnh, cho biết: Đến 30/6/2011 tổng dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 4.450 tỷ đồng, tăng 36 tỷ đồng so với đầu năm, với khoảng 180.000 khách hàng dư nợ vay vốn. Trong đó cho vay chi phí trồng trọt chăn nuôi 1.165 tỷ đồng; cho vay phát triển ngành nghề nông thôn gần 662 tỷ đồng; cho vay chế biến bảo quản nông lâm thuỷ hải sản 209 tỷ đồng, cho vay chi phí trồng trọt chăn nuôi khác 1.149,8 tỷ đồng...
Để đầu tư, phát triển sản xuất, nông dân rất khó khăn về nguồn vốn.
Ảnh: Công Sáng
Tuy doanh số cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn (NNNT) khá lớn như vậy, nhưng trên thực tế những hộ nông dân cận nghèo, hộ thu nhập trung bình rất khó tiếp cận vốn vay, đặc biệt là những hộ có quy mô sản xuất nhỏ. Theo số liệu của Ngân hàng NN tỉnh cung cấp thì trong tháng 6/2011 có 8.081 khách hàng đến vay vốn tại các Chi nhánh của Ngân hàng NN trong toàn tỉnh. Trong đó ngân hàng đã đáp ứng cho 8.009 khách hàng vay vốn, còn 72 trường hợp không được vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp huyện Quỳ Châu, còn các ngân hàng khác không thấy báo cáo lên ngân hàng tỉnh về những trường hợp không được vay vốn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Đức Tiến cho rằng, nguyên nhân khó tiếp cận vốn về phía khách hàng: do hồ sơ thủ tục vay vốn không đầy đủ, dự án sản xuất kinh doanh của khách hàng không đảm bảo, khách hàng không có khả năng trả nợ đúng thời hạn cam kết. Còn về phía ngân hàng: do khả năng thẩm định giải ngân không kịp thời, hoặc thiếu vốn. Tất cả 65 điểm giao dịch của Chi nhánh Ngân hàng NN tỉnh từ đầu tháng 7/2011 đến nay rất căng thẳng về nguồn vốn cho vay, hầu như không giải ngân, đến ngày 27/7 bắt đầu cho vay. Năm ngoái Chi nhánh Ngân hàng NN Nghệ An được Ngân hàng NN Việt Nam hỗ trợ cho vay 100 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn.
Đến tháng 7/2011 Ngân hàng NN Việt Nam rút 100 tỷ đồng nguồn vốn đó, do đó ngân hàng tỉnh bị căng thẳng về nguồn vốn. Cùng với đó, nguồn vốn huy động tại địa phương để mở rộng cho vay, tăng trưởng hết sức chậm. Đầu tháng 7/2011, tổng dư nợ của Ngân hàng NN tỉnh là 6.046 tỷ đồng, đến cuối tháng 7 chỉ còn 5.867 tỷ đồng. Trên thực tế, nhu cầu vốn tín dụng của người dân ngày càng tăng lên, thì ngân hàng cũng phải có nguồn tăng mới đáp ứng được. Trong khi đó huy động vốn lãi suất trần 14%/năm rất khó thu hút người gửi tiền trong giai đoạn lạm phát cao này. Do vậy, ngân hàng chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn cho khu vực nông nghiệp nông thôn.
Khu vực nông - ngư nghiệp đang cần vốn hơn lúc nào hết.
Tại Ngân hàng NN huyện Diễn Châu, bà Ngô Thị Thảo - Phó Giám đốc cho biết: Đến tháng 7/2011, tổng dư nợ cho vay phát triển NNNT trên địa bàn huyện hơn 400 tỷ đồng. Trong đó cho vay thương mại 207 tỷ đồng; cho vay sản xuất nông nghiệp 108 tỷ đồng với gần 1.000 hộ vay, chủ yếu món vay từ 10- 20 triệu đồng, chỉ có khoảng 45 hộ trang trại chăn nuôi cá, lợn ở xã Diễn Yên và Diễn Nguyên được vay 50 triệu đồng/hộ.
Thực tế cho thấy những hộ có dự án sản xuất kinh doanh lớn, hiệu quả cao, được ngân hàng tạo điều kiện hơn trong việc cho vay vốn với món vay lớn. Còn những hộ sản xuất nhỏ, trung bình và trên trung bình vẫn khó tiếp cận được món vay theo quy mô đầu tư của chủ hộ.
Ông Ngô Xuân Hùng- xã Diễn Nguyên (Diễn Châu) chia sẻ: gia đình tôi thường xuyên chăn nuôi lợn nái sinh sản, và lợn thịt. Để được vay vốn ngân hàng, tôi phải thế chấp bìa đất gần 600 m2. Tổng giá trị tài sản đất đai, nhà cửa của gia đình gần 500 triệu đồng, nhưng ngân hàng chỉ xét cho vay 20 triệu đồng. Hiện gia đình tôi rất muốn đầu tư mở rộng chuồng trại, tăng quy mô đàn chăn nuôi nhưng không thực hiện được vì nguồn vốn được vay quá ít, không đủ để đầu tư.
Ông Tăng Ngọc Ánh- Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Diễn Nguyên - Diễn Châu, than thở: Cả HTX nông nghiệp Diễn Quảng chuyên lo chỉ đạo sản xuất cho 1.400 hộ dân, làm dịch vụ tưới tiêu nước, vật tư phân bón, thuốc trừ sâu cho 297 ha diện tích, nạo vét kênh mương và sửa chữa nội đồng. HTX hoạt động hàng chục năm nay nhưng chưa bao giờ được vay vốn của Nhà nước cũng như ngân hàng. Hàng năm, HTX cần khoảng 500 triệu đồng để hoạt động nhưng không có tài sản thế chấp nên không vay được vốn ngân hàng, HTX hoàn toàn phải đi vay ngoài để có vốn hoạt động.
Trong giai đoạn hiện nay, giá thực phẩm tăng cao, mặc dù biết có lãi cho người chăn nuôi nhưng nông hộ lại thiếu vốn đầu tư mở rộng quy mô cũng như tăng đàn. Muốn chăn nuôi phải có vốn, trên thực tế do thiếu vốn, không có kinh phí mua cá giống, lợn giống, thức ăn chăn nuôi, đầu tư cho công tác phòng dịch... nhiều mô hình đã bỏ dở, sản xuất cầm chừng, lao động thiếu việc làm.
Nghị định 41/2010/NĐ-CP "Về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn", tại Chương II- điều 8 nêu rõ: "Riêng đối với các đối tượng khách hàng là cá nhân, gia đình, hộ sản xuất kinh doanh ở nông thôn, các HTX, chủ trang trại, tổ chức tín dụng được xem xét cho vay không có bảo đảm bằng tài sản theo các mức sau: Tối đa đến 50 triệu đồng đối với đối tượng là các cá nhân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; Tối đa đến 200 triệu đồng đối với các hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn; Tối đa đến 500 triệu đồng đối với đối tượng là các HTX, chủ trang trại".
Mặc dù chính sách thông thoáng, ưu đãi đối với phát triển NNNT như vậy, nhưng trên thực tế thực hiện chủ trương này, khách quan đánh giá ngân hàng chưa thực sự "công tâm" đồng hành cùng với đối tượng phát triển NNNT. Ông Phan Đức Tiến - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN tỉnh, cho biết: "hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp cũng như các hộ kinh doanh hoặc làm dịch vụ phục vụ NNNT cũng mới được cho vay tối đa đến 20 triệu đồng bằng tín chấp". Như vậy đồng nghĩa với việc các mức vay khác cao hơn đều phải có tài sản thế chấp với ngân hàng.
Như vậy, khung tối đa cho vay không có bảo đảm bằng tài sản đến 50 triệu đồng, 200 triệu đồng và 500 triệu đồng đối với các đối tượng cụ thể trên không được thực hiện. Dư luận vẫn thường lên tiếng: phải thế chấp tài sản còn khó vay được vốn, huống chi đến chuyện tín chấp (...). Khi chính sách chưa đi vào cuộc sống thì khu vực NNNT vẫn khó khăn về vốn, nhất là trong giai đoạn bão giá này không có kinh phí để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi thì người dân càng khó khăn gấp bội.