(Baonghean.vn) - Trong số những người đã, đang và sẽ sang Trung Quốc có người vì cuộc sống mưu sinh nhưng cũng có người vì nhẹ dạ cả tin mà bị lừa sang đó để rồi khi muốn bước chân về càng khó khăn hơn. Một nỗi xấu hổ dâng lên khi trở về bản làng khiến họ thu mình lại với mọi người xung quanh.

Làm vợ người để có tiền về

Có 1 dạng "lao động" khá phổ biến đối với phụ nữ vùng cao là làm vợ đàn ông Trung Quốc. Tình trạng này diễn ra phổ biến đối với phụ nữ người Khơ mú do sự thiếu hiểu biết.

Vào bản Lưu Tân (xã Bảo Nam – Kỳ Sơn) chúng tôi tìm gặp chị Moong Thị Xanh khi chị vừa ở Trung Quốc về được 1 thời gian ngắn. Gia đình Xanh thuộc diện khó khăn nhất nhì của bản. Bố mẹ mất sớm, mấy anh em sống dựa vào nhau. Cách đây mấy năm, người anh trai của Xanh cũng bị tai nạn giao thông mất. Khó khăn quá Xanh xin vào miền Nam làm thuê theo bạn bè. Khi chúng tôi đề cập đến chuyện cô đi Trung Quốc về thì Xanh chối và bảo rằng:”Em đi làm giày da ở trong Nam thôi”. Mấy anh cán bộ xã đi cùng động viên mãi cô mới kể ra sự thực.

Chị Moong Thị Xanh tâm sự về những ngày làm vợ người ở Trung Quốc.
Chị Moong Thị Xanh tâm sự về những ngày làm vợ người ở Trung Quốc.

Ngày ấy đang làm thuê ở miền Nam cô và 1 số bạn khác cũng người Khơ mú được 1 người đàn ông đến rủ đi hát Kraoke. Mới ra thành phố, cứ nghĩ rằng cuộc sống ở đây là thế nên cô chẳng e ngại gì. Khi hát xong người đàn ông kia bảo rằng đã thuê hẳn 1 chiếc xe khách mời mọi người đi Móng Cái chơi. Ấy thế là tất cả hào hứng lên xe. Sang đến bên kia biên giới, Xanh và các bạn vẫn nghĩ rằng đây là Móng Cái còn người đàn ông kia thì đã mất hút. Lấy điện thoại ra gọi thì mới biết là mình đã sang vùng đất Trung Quốc, trong người lại không 1 xu dính túi.

Khi đang loay hoay giữa đất khách quê người thì người đàn ông kia xuất hiện bảo rằng, mọi người có muốn có tiền về không? Nếu muốn thì lấy chồng ở đây sẽ có tiền. Thế là Xanh cùng các bạn đành lấy 1 ông chồng mà mình chưa hề quen biết. Xanh bảo rằng chồng Xanh thua Xanh 7 tuổi, hàng ngày cùng lên nương làm rẫy và cũng yêu thương Xanh.

Sống với chồng được 1 năm, Xanh xin về nhà thăm quê cùng với 1 người bạn ở bản Xao Va (xã Bảo Thắng). Lúc về Xanh được nhận gần 17 triệu đồng tiền công 1 năm làm vợ. Bây giờ mỗi lúc nhớ lại những điều ấy Moong Thị Xanh lại xấu hổ vô cùng và hầu như cô sống khép mình lại, giấu diếm tất cả mọi người. Cô bảo rằng, số mình còn may mắn về được chứ nhiều bạn của cô vẫn còn sống khổ cực bên kia lắm, chỉ vì thiếu hiểu biết mà ra nông nỗi ấy. Cô thở dài tiếc nuối…

Cực nhọc đời làm thuê

Xã Lưu Kiền (Tương Dương) là xã có nhiều lao động trốn sang Trung Quốc nhiều nhất của huyện vùng cao này với 253 người. Tuy nhiên theo chúng tôi tìm hiểu con số thực tế còn lớn hơn. Tại bản Xoóng Con, ông Kha Văn Khăm – Trưởng bản cho biết, cả bản có khoảng hơn 100 người đang lao động tại Trung Quốc, trong đó có khoảng 10 gia đình có cả vợ chồng đều đi.

Theo sự chỉ dẫn của ông Kha Văn Khăm chúng tôi tìm gặp gia đình ông Vi Văn Th ở gần đó. Gia đình ông Th hiện đang nuôi cháu Lộc Thị H cho vợ chồng con gái. 2 vợ chồng Lộc Văn N và Vi Thị H đã sang Trung Quốc làm ăn được 3 năm nay. Và cũng trong 3 năm ấy đứa con nhỏ của cặp vợ chồng trẻ này giao lại cho ông bà chăm sóc. Căn nhà Lộc Văn N lụp xụp trông chẳng khác gì 1 cái chòi bỏ hoang. Đứa con nhỏ của đôi vợ chồng này rất kháu khỉnh nhưng phải sống thiếu vòng tay bố mẹ.

Khi được chúng tôi hỏi, bà ngoại cháu H ngại ngùng mãi mới cho biết, đã mấy tháng nay 2 vợ chồng Lộc Văn N. làm ăn ở Trung Quốc không gọi điện về thăm gia đình lấy 1 câu khiến cả nhà rất lo lắng. Muốn gọi sang mà không biết số nào để gọi. Bây giờ chỉ muốn cho 2 đứa về, no đói gì cũng được. Giọng bà chùng xuống.

Anh Vi Văn Hòe - 1 lao động mới trở về từ Trung Quốc.

Cũng ở gần đó, anh Vi Văn Hòe vợ là Ngân Thị Bình mới vừa chân ướt chân ráo từ Trung Quốc về. Anh Hòe khoe rằng, đi Trung Quốc mấy năm, tích góp vay mượn thêm anh làm được căn nhà này. Rồi anh kể cho chúng tôi rằng, sang đó ai xin làm được chỗ nào thì xin, làm được nhiều thì lương cao, làm ít thì có khi không đủ tiêu. Mỗi ngày làm việc quần quật mà lương tháng cũng chỉ được 8-9 triệu.

Chi phí ăn uống, sinh hoạt lại đắt đỏ nên dành dụm cũng không được bao nhiêu. Khó khăn nhất là ngày nào cũng phải nơm nớp lo sợ vì bị cơ quan chức năng nước bạn phát hiện bắt giữ. Sống hôm nay chỉ biết hôm nay, qua được ngày là thở phào nhẹ nhõm. Anh còn kể rằng nhiều người sang đó còn không đủ tiền để về, người thì phiêu bạt vào làm công ty điện tử, người thì lên rừng làm rẫy cùng dân bản địa, vất vả vô cùng.

Mỗi mảnh đời phiêu bạt sang đất người vất vả cực nhọc là thế vậy mà giấc mộng vẫn không thành. Sau những bản nghèo ấy vẫn còn có những ánh mắt thèm muốn vượt sang bên kia biên giới làm giàu.

Đào Hữu

TIN LIÊN QUAN