(Baonghean) - Mình xin tự giới thiệu, mình vừa mới lấy vợ và là thành viên chính thức của “Hội sợ vợ”. Mình viết bài này để giải oan cho “Bà la sát”, à nhầm, “Quan âm bồ tát” nhà mình. Đề nghị mọi người dùng từ cho chính xác, mình không sợ vợ mà là tôn trọng vợ. Này nhé, cả hai vợ chồng mình đều là công chức nhà nước, giờ làm việc buổi sáng từ 7 giờ, thế mà nàng phải dậy trước tận mấy tiếng đồng hồ chải chuốt phần nhìn để giữ thể diện cho chồng. Trưa đi làm về, nàng phải vừa nấu cơm vừa xem mấy ộp-pa đẹp trai trong phim Hàn trên tivi, vừa bôi bác nhan sắc của chồng. Chiều về nếu không có kế hoạch tập thể dục bằng cách lượn lờ phố xá mua sắm với mấy cô đồng nghiệp, nàng sẽ cặm cụi nấu một món vô cùng cầu kì chiêu đãi chồng, không quên khuyến mãi thêm căn bếp tan hoang bừa bộn chờ mình dọn dẹp. Nàng bận rộn là thế nên mình thương nàng lắm. Người ta cứ bảo bình quyền nam nữ: Nói bậy! Bình là bình thế nào, đến bao giờ mình vác bụng đi đẻ hộ vợ thì mới bình đẳng được!Nói vui nhưng có nhiều phần thật. Gia đình là gì, nếu không phải là sự kết hợp của hai cá thể khác biệt để đơm kết nên trái chín chung (gia đình nhỏ của họ với những đứa con và gia đình lớn với ông bà, bố mẹ, anh chị em...). Gia đình là chung nhau một mái nhà, ăn chung một bữa cơm no đủ hay đắp chung một tấm chăn khi trời giá rét. Để xây dựng nên cái “chung” thì cần phải “chia”, chứ không thể quy hết việc lớn, việc nhỏ trong nhà lên vai người vợ, hoặc người chồng gánh vác, và đã “chia” thì phải “chia đúng”. Nhiều lần trên đường đi làm về, mình thấy các đức ông chồng ngồi đông nghịt quán nhậu, say sưa chúc tụng nhau mà không mảy may nghĩ đến vợ giờ này đang bù đầu với chợ búa, con cái, cơm nước, nhà cửa. Hoặc có lẽ họ nghĩ mình tu từ mấy mươi kiếp trước nên giờ lấy được vợ là siêu nhân, có thể một mình quán xuyến hết việc nước, việc nhà. Trái lại, cũng có những bà vợ mải mê la cà, bè bạn, không buồn chăm lo cho bếp nhà mình luôn đượm lửa, mái nhà mình luôn ấm êm, và nguy cơ cao là chồng họ phải tìm đến cái bếp của một người đàn bà khác, khiến gia đình ly tán, khổ đau.Gia đình là mầm sống của xã hội, là suối nguồn nuôi lớn mỗi con người về thể chất và tâm hồn. Giữ cho mạch nguồn ấy luôn sáng trong, đầy ắp, chảy theo chúng ta suốt đời nay và cả những đời sau là trách nhiệm của mọi thành viên trong gia đình. Nếu tự ta có ý thức vun đắp cho tình yêu gia đình đủ lớn để quên đi bản thân mà sống vì niềm vui, nỗi buồn của những người ta yêu quý thì chung tay, góp sức xây dựng gia đình sẽ không còn là nghĩa vụ mà là bản năng, lý tưởng và mục đích sống của ta. Suy cho cùng, triết lý này không chỉ đúng với gia đình riêng của ta mà còn đúng với gia đình lớn hơn là cơ quan nơi ta làm việc; thành phố ta đang sống; đất nước, dân tộc mà ta thuộc về.Lại nhớ, hôm nọ đang ngồi uống bia với mấy ông bạn vàng, bỗng điện thoại mình kêu váng cả quán “Chồng ơi, con khóc, em chờ...”:- Alô, anh đang ngồi uống bi...à uống nước với mấy anh bạn hồi đại học, ba mươi...à không, mười lăm phút nữa anh có mặt ở nhà, thế em nhé!Mình vừa cất điện thoại thì cả đám cười ồ lên:- Mới lấy vợ có mấy tháng mà cậu đã bị “đồng hoá” đến mức này rồi ư?- Cha ông ta dạy cấm có sai, dạy con từ thưở còn thơ, dạy chồng từ thuở... lơ ngơ bị lừa!Mình ung dung: “Bảo sao đến giờ các cậu vẫn thuộc quân số lính phòng không, các cậu không biết hình mẫu người đàn ông thời nay là phải “Vợ ở mô, thủ đô ở đó” à?”. Nói xong mình uống nốt cốc bia, cười hề hề chào mấy ông bạn đang ngồi ngớ cả ra rồi chuồn về nhà... với vợ. Không biết mấy lão “trẻ trâu” ấy và cả mấy lão “già trâu” bàn bên cạnh có ngẫm ra được đạo lý cao cả mà mình vừa khai sáng cho không, chậc chậc.

Hải Triều