(Baonghean) - “Trước khi đi ta có đàn gà, trâu, bò đầy đủ, có xe máy, có nhà kiên cố. Nay trở về trắng tay!”, ánh mắt ông Và Lỳ Cồng, bản Huồi Ức 1, xã Huồi Tụ, huyện rẻo cao Kỳ Sơn chất chứa nỗi xót xa tủi hổ vì trót dại mà vỡ mộng trên đất người…
Đêm xuống sớm, chúng tôi căng mắt theo đèn pha xe máy của anh Và Bá Dờ, cán bộ chính sách UBND xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn vượt qua đường lởm chởm đá đến bản Huồi Ức 2. Lý giải “phải chọn giờ gà lên chuồng” đi là vì lúc này, các hộ đã đi rẫy về. Sau cái bắt tay chào khách, ăn bữa cơm tại nhà Trưởng bản Và Xỉ Mùa dưới ngọn đèn dầu. Khi hỏi chuyện về một số hộ người Mông trong bản bỏ đi Lào, Trưởng bản Và Xỉ Mùa cởi mở: “Có đấy! Muốn hiểu kỹ, ta dẫn đến gặp một số hộ mới trở về được mấy tháng nay”.
Bản Huồi Ức 2 nằm chênh vênh bên vách núi, chìm đắm trong sương. Theo ánh đèn pin của Trưởng bản Mùa, chúng tôi đến ngôi nhà lợp tranh của chị Lầu Y Lỳ vừa từ Lào trở về cuối năm 2014. Lầu Y Lỳ mới đi rẫy về đang cùng con nhỏ ăn cơm, bữa cơm chỉ có bát nước lã và bát rau cải. Mới 33 tuổi, chị Lỳ đã có tới 5 đứa con, đứa lớn nhất học lớp 6. Không biết tiếng Kinh, Lầu Y Lỳ kể chuyện qua phiên dịch của Trưởng bản Mùa: “Năm 2013, nghe tin bên Xiêng Khoảng (Lào) phát triển khu kinh tế mới, anh Và Lìa Xa, chồng mình dẫn cả nhà sang. Lúc đầu nói là sang thăm họ hàng, rồi sau đó bàn cả nhà ở lại làm ăn luôn. Đến tỉnh Xiêng Khoảng, đất khách quê người, bản làng thưa thớt, dân cũng làm nương rẫy như mình, cuộc sống đắp đổi qua ngày. Mình là dân nhập cư nên không có chính sách hỗ trợ, con cái không được đi học. Thấy khổ, vợ chồng bàn nhau trở về quê cũ, nhưng muốn về cũng không đơn giản, gạo hết, tiền hết nên đành phải ở lại một thời gian. Chuẩn bị về thì tai họa bất ngờ ập đến, chồng vào rừng săn bắn rồi mất tích. Anh em họ hàng đi tìm ròng rã nhiều ngày vẫn không thấy, nghe người ta nói rằng chồng mình đã bị phỉ bắt. Trở về Huồi Ức không còn nơi ở vì ngôi nhà lợp gỗ sa mu chắc chắn đã bán cho người khác rồi. Nhờ Đảng và Nhà nước hỗ trợ gạo, được dân bản giúp đỡ dựng tạm nhà, nay mình và lũ con có chỗ để náu thân, các con được tạo điều kiện đi học trở lại. Mình mong chồng trở về lắm!”. Chị Lỳ bật khóc rưng rức trong sự hối hận muộn màng.
Chúng tôi đến nhà ông Và Lỳ Cồng (54 tuổi), bản Huồi Ức 1. Bên bếp lửa bập bùng, bằng tiếng Kinh lơ lớ của ông Cồng, chúng tôi cố chắp nối câu chuyện: “Sau khi chia đất theo bản đồ giữa 2 xã Huồi Tụ và Na Loi, ta bị mất đất nhiều lắm. Đang buồn thì nghe nói bên đó dễ kiếm tiền, vậy là đầu năm 2012, ta cùng gia đình 2 em trai đưa gia đình khăn gói vượt biên sang Lào. Nhưng không như đồn thổi, sang đó cũng chỉ phát rừng đốt nương làm rẫy, săn bắt thú, cuộc sống bấp bênh lắm. Em trai ta cùng đứa cháu đi săn trong rừng rồi bị mất tích luôn. Đói, khổ và buồn lắm nên ta về. Trước khi đi ta có đàn gà, trâu, bò đầy đủ, có xe máy, có nhà ván thưng chắc chắn. Nay trở về thì trắng tay”, ánh mắt ông còn vương nỗi xót xa tủi hổ vì trót dại mà vỡ mộng trên đất người.
Rẽ xuống bản Ngã 3, xã Huồi Tụ, anh Pao chỉ cho chúng tôi ngôi nhà anh Vừ Bá Chùa mới từ Lào trở về được 10 ngày. Khuôn mặt hốc hác, nước da tái xám, anh Chùa vẫn chưa hết nỗi ám ảnh trong chuyến đi tìm “miền đất hứa” bên kia biên giới. Chùa nghe theo lời rủ rê bên Lào xây dựng khu kinh tế mới, tháng 9/2013, rao bán nhà nhưng không ai mua nên để hoang, vợ chồng dắt con cái sang tỉnh Bôlykhămxay trong khi hộ chiếu đã hết hạn. Sang đó anh phải đi làm thuê nhiều việc, từ làm cỏ rẫy, phát nương, vác, xẻ gỗ... rồi cuối cùng đầu quân cho Công ty Than tỉnh Bôlykhămxay. Làm quần quật, lấm lem bụi khói than cả ngày được trả công với giá rẻ mạt 3000 kíp/ngày/bì (tương đương khoảng 100 nghìn đồng Việt Nam). Vất vả hơn nhiều so với ở quê cũ nên đã quay về...
Anh Vừ Chồng Pao, cán bộ chính sách xã Huồi Tụ cho biết: Bản Huồi Ức 2 hiện có 37 hộ, 200 khẩu, còn nhiều người khác trong danh sách khá dài những người bán nhà rời bản đi sang Lào. Một số may mắn lành lặn trở về bản quê và cũng không ít trường hợp đau thương mất mát như gia đình chị Lầu Y Lỳ... Trở về bản, nhiều hộ mặc cảm, tự ti. Khi các hộ trở về, ngoài chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, mỗi hộ được hỗ trợ 1 con bò giống 7 triệu đồng. Mỗi hộ mới về được hỗ trợ 1 bì gạo, dân bản còn giúp ngày công, vật liệu dựng nhà giúp họ hòa nhập cộng đồng.
Phó Chủ tịch UBND xã Hạ Bá Lỳ cho biết: Huồi Tụ nằm trong tốp xã có số người di, dịch cư trái phép nhiều nhất của huyện. Từ năm 2010 - 2014, xã Huồi Tụ có 41 hộ, 217 khẩu vượt biên, năm 2013 có 30 khẩu trở về, nhưng đến năm 2014 lại có 69 khẩu tiếp tục đi Lào với giấc mơ “đổi đời”.
Theo thống kê, năm 2014, tình trạng di, dịch cư ở Kỳ Sơn tăng thêm 64 hộ/334 khẩu, chủ yếu người Mông, tập trung tại các xã Đoọc Mạy, Mỹ Lý, Huồi Tụ, Na Ngoi, Nậm Càn, Nậm Cắn, Mường Típ, Mường Lống, Bắc Lý, Tây Sơn. Số người này di cư chủ yếu sang các tỉnh Bôlykhămxay, Xiêng Khoảng, Viêng Chăn. Năm 2015, con số di, dịch cư trái phép sang Lào vẫn tiếp tục gia tăng. Nguyên nhân di, dịch cư trái phép trước hết do tập quán du canh, du cư của đồng bào vùng cao nói chung và người Mông nói riêng; do quan hệ thân tộc, anh em họ hàng. Một số nghe tin ở phía bạn Lào thành lập đơn vị hành chính mới như: Huyện A Ta Pư và tỉnh Xây Xổm Bun với hy vọng sang đó để được đầu tư, hỗ trợ. Ngoài ra cấp ủy, chính quyền các cấp chưa quan tâm lãnh đạo, quản lý; trình độ nhận thức về pháp luật của đồng bào còn hạn chế...
Để ngăn chặn tình trạng di cư trái phép, huyện đã thành lập các đoàn công tác cùng với xã xuống các bản nắm tình hình. Đối với những hộ đã di cư trái phép trở về, huyện hỗ trợ ban đầu một phần lương thực và nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống; phát huy vai trò của trưởng bản, già làng, người có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân không di dịch cư trái phép sang Lào. Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân Nghị định số 34/CP về quy chế biên giới đất liền; tăng cường phối hợp với lực lượng công an, quân sự, bộ đội biên phòng, vừa tuyên truyền, vừa vận động, vừa thuyết phục nhân dân, vừa thực hiện tốt chức năng quản lý địa bàn, quản lý biên giới; tiếp tục triển khai tốt các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở xã vùng sâu, vùng xa, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân. Đặc biệt, biện pháp mạnh và mới nhất của UBND huyện là chỉ đạo người dân không mua tài sản của những hộ di cư trái phép sang Lào; ưu tiên cho người ở lại xây dựng quê hương, chấp hành chủ trương, chính sách tốt của Đảng và Nhà nước...
Phạm Ngân - Hồ Lài