Nguyên nhân có nhiều, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia tâm lý và các khảo sát mới nhất của các nhà xã hội học thì tất cả những vụ bạo lực của người vợ đối với người chồng đều có căn nguyên bắt đầu từ những bạo hành của người đàn ông.
Những vụ việc rúng động
Dư luận gần đây bàng hoàng bởi những vụ sát hại chồng dã man tại các tỉnh Thái Nguyên, Bình Dương... Điểm chung là các hung thủ sau khi bị bắt đã tường trình rằng chính người bị hại đã định “ra tay” với mình trước, trong cơn giằng co đã vô tình giết chết nạn nhân; hoặc vì những uất ức dồn nén từ những bạo hành trước đây của chồng mình mà “giọt nước tràn ly”, khi không làm chủ được hành vi đã ra tay sát hại người đàn ông từng “má kề tay gối” suốt bao nhiêu năm.
image_2380159_2312018.jpgBị cáo Lô Thị Đông (xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Đàn) bị tuyên án 60 tháng tù giam vì tội cố ý gây thương tích cho chồng. Ảnh: Internet

Còn tại Nghệ An, tháng 9/2016, vụ việc Mong Me Phia ở xã Bảo Thắng (Kỳ Sơn) dùng chày đánh chết chồng, sau đó tìm cách dựng hiện trường giả hòng đánh lừa cơ quan chức năng, cũng là một vụ án giết chồng gây rúng động cộng đồng dân cư xã miền núi nghèo trên địa bàn Kỳ Sơn nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung, bởi trước đó Phia từng là người phụ nữ hiền lành, luôn chịu những đòn roi vô cớ của chồng.

Trong bản tường trình trước cơ quan chức năng Phia kể: “Không lúc nào ông ấy để cho tôi được yên, không đánh đập thì cũng tìm cách bạo hành tinh thần, tình dục... trước khi đánh chết ông ấy thì tôi đã bị ông ấy dùng rìu đuổi đánh và dọa giết, sau khi thoát được lưỡi rìu từ tay ông ấy vì quá uất ức nên tôi đã không làm chủ được hành vi dẫn đến đánh chết người...”.

Cũng trong năm 2016, Lô Thị Đông ở xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Đàn) bị kết án 60 tháng tù giam vì tội danh cố ý gây thương tích, đáng ngẫm là nạn nhân mà người phụ nữ này cố tình gây thương tích là người chồng đã chung sống với cô hơn 15 năm.
Trong lời khai trước tòa, bị cáo Lô Thị Đông cho biết: “Cả chục năm chung sống, chưa lúc nào bị cáo được chồng đối xử tử tế, lúc nào cũng sống trong tâm trạng lo lắng, hoảng loạn vì sợ chồng đánh đập, bạo hành nhiều hình thức”.
Trong bản cáo trạng của Đông tường trình về vụ việc, vì quá uất ức trước hành động đòi hỏi tình dục quái đản của chồng ngay giữa ruộng ngô nên bị cáo đã đánh chồng đến ngất xỉu, sau đó vì nghĩ nạn nhân đã chết nên đã kéo chồng ra đường nhằm tạo hiện trường giả.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao, năm 2017, Nghệ An có tới 601 vụ bạo hành gia đình, trong đó có 58 vụ vợ bạo hành chồng. Địa phương có số vụ vợ bạo hành chồng lớn nhất là Kỳ Sơn 21/81 (vụ bạo hành gia đình), Anh Sơn có 17/59 vụ, Diễn Châu 5/21 vụ. Trong 601 vụ bạo hành gia đình có tới 322 vụ bạo hành thân thể; 232 vụ bạo hành tinh thần; 46 vụ bạo hành kinh tế. Trong đó, có 58 nạn nhân là nam giới và 54 nạn nhân là nữ giới.
“Tại anh” hay “tại ả”?
Đó là những vụ án vợ bạo hành chồng dẫn đến hậu quả nặng nề và người vợ phải chịu tù tội, chấp hành án phạt tù; để tiếng xấu cho gia đình chồng con thậm chí cho cả bản thân vì hành vi độc ác của mình. Trên thực tế, còn nhiều vụ việc bạo hành chồng nhưng chỉ hàng xóm láng giềng, tổ liên gia hay thậm chí chỉ con cái, bố mẹ anh em thân thích mới biết. Để chỉ ra căn nguyên thì hầu như tất cả những tổ hòa giải tại các địa bàn có nhiều vụ bạo lực gia đình đều cho rằng, lỗi bắt nguồn từ người chồng.
Ông Nguyễn Sỹ Tưởng - Trưởng phòng Văn hóa huyện Anh Sơn - địa phương được ghi nhận có tới 50 vụ bạo hành gia đình trong năm 2017, cho biết: “Theo phản ánh của các cán bộ hòa giải tổ dân cư trên địa bàn huyện, nhiều gia đình bất hòa đều bắt nguồn từ việc ông chồng trước đó có quan hệ ngoài hôn nhân nên về nhà hắt hủi vợ, người vợ không chấp nhận việc chồng mình vô cớ mắng chửi hay đánh đập đã to tiếng cãi vã; hay có những trường hợp chồng thường xuyên rượu chè bê tha, nên các bà vợ không chịu đựng được đã phản kháng...”.
Cũng theo ông Tưởng, trên địa bàn huyện có tới 50 vụ bạo hành gia đình, trong đó có 22 vụ bạo hành tinh thần, 17 vụ bạo hành thân thể, nhưng người gây bạo hành là nữ giới chiếm gần 1/3.
Hội thi sân khấu hóa tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình của phụ nữ xã Lĩnh Sơn (Anh Sơn). Ảnh: Thanh Nga
Về điều này ông Tưởng cho biết: “Những vụ việc được thống kê là những vụ nạn nhân đã “vạch áo cho người xem lưng”, có nghĩa là chính nạn nhân lên tiếng xin được tư vấn; đồng thời đó cũng là những vụ việc có chiều hướng xấu, khó hòa giải, thế nhưng, để chỉ ra ai là người bạo hành trong gia đình thì lại rất khó.Có những vụ kéo dài đã chục năm, giờ vợ chồng không còn nhìn mặt nhau, hễ gặp là xô xát chửi bới, vợ không cho chồng vào nhà, chồng không chấp nhận vợ nhưng không ly hôn. Hay có những vụ việc chồng có quan hệ bất chính nhưng lại thường xuyên cho rằng vợ mới là người gây bất hòa trong gia đình, khiến chị vợ uất ức, từ đó mới sinh cáu bẳn, vô cớ nóng giận với chồng con, và gây bạo hành đối với chồng mình”. 
Điều này được tổ liên gia thôn 8, xã Lĩnh Sơn ghi nhận, khi xóm này đã từng hòa giải nhiều ca khó. Tổ trưởng tổ liên gia thôn 8 phản ánh: Có trường hợp người vợ phản ánh thường xuyên phải chịu cảnh “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” trong gia đình, nhưng khi trực tiếp hòa giải thì người chồng lại cho rằng chính mình mới là nạn nhân.
Chị Nguyễn Thị Hoa - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lĩnh Sơn cho biết: “Trên địa bàn Lĩnh Sơn có 14 địa chỉ tin cậy sẵn sàng tiếp nhận những khúc mắc của người dân để tư vấn, nhưng rất ít khi nhận được sự tự nguyện xin tư vấn của người chồng”. Cũng theo ý kiến của các thành viên trong Ban chỉ đạo công tác gia đình huyện Anh Sơn, những vụ bạo hành gia đình mà nạn nhân là nam giới chiếm rất ít, những vụ việc được thống kê mà nữ giới là người bạo hành thực ra chỉ là những vụ việc mang tính bột phát.
Tại hội nghị ban chỉ đạo công tác gia đình tỉnh, một số thành viên Ban chỉ đạo nêu ý kiến: Trong xã hội hiện đại, bạo hành gia đình được ghi nhận không chỉ đến từ người đàn ông, khi thực tế có nhiều gia đình chính phụ nữ là căn nguyên. Có nhiều phụ nữ thường gây bạo hành tinh thần cho chồng mà không biết, ví như việc quản lý kinh tế quá chặt, hay việc ghen tuông mù quáng. Tuy nhiên để nhận diện chính xác nguyên nhân gây nên các vụ bạo hành mà người gây bạo lực là nữ giới vẫn còn nhiều tranh cãi.
Bà Lê Thị Nguyệt - Trưởng phòng Chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Trên thực tế, việc phát hiện và thống kê về các vụ bạo lực gia đình còn gặp nhiều khó khăn, số liệu thống kê được cũng chưa đầy đủ và chính xác. Sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể chưa chặt chẽ, các cấp ngành chưa thực sự vào cuộc để xử lý các vụ bạo lực gia đình. Thế nên mới xảy ra tình trạng một vụ bạo lực gia đình, nếu nạn nhân là nam giới thì ngành chức năng kết luận nữ giới là người bạo hành, mà không xét đến cả quá trình chung sống; hay nhiều vụ bạo hành mà nữ giới là căn nguyên nhưng vì thiếu hiểu biết nên không ý thức được mình là người gây bạo hành. Bởi đơn giản các vụ bạo hành gia đình thường bị giấu nhẹm, chỉ những người thân thích mới biết rõ thực hư”.