Kết thúc Kỳ thi tay nghề Asean lần thứ 10, đoàn Việt Nam xếp thứ nhất với chiến thắng áp đảo - thành tích khi “đấm chuông” trong đấu trường khu vực một lần nữa cho thấy trình độ tay nghề của các thí sinh Việt Nam không thua kém các nước bạn. Vậy câu chuyện năng suất lao động của 15 người Việt Nam mới bằng 1 người Singapore lý giải như thế nào?

Thí sinh Việt Nam dự thi tay nghề ôtô.
TIN LIÊN QUAN
Ông Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề - Trưởng đoàn Việt Nam tại các kỳ thi tay nghề Asean và thế giới cho biết, sau 8 lần tham gia kỳ thi tay nghề Asean, Việt Nam có 3 lần đạt giải nhất, 2 lần đoạt giải nhì. Năm nay, chúng ta giành chiến thắng áp đảo, hơn đội đứng thứ 2 tới 6 huy chương vàng. Các nghề thế mạnh như thiết kế trang web, xây gạch ta gần như không có đối thủ.

Chuyện chúng ta huấn luyện cho thí sinh trong thời gian ngắn và quá gấp rút (khoảng 3 tháng) khiến nhiều người có cảm giác mỗi kỳ thi là một đợt “luyện gà”, ông Lân khẳng định khi tham gia đấu trường này, nước nào cũng “luyện gà”; thậm chí Indonesia còn cho “gà” đi luyện thi nghề mộc ở CHLB Đức hằng năm trời. Với số kinh phí đầu tư và thành tích đạt được, “gà” của chúng ta ăn ít “thóc” mà vẫn khỏe hơn nước bạn. Chúng ta không thể tự nhiên mà giành được giải nhất này mà phải học hành bài bản, có đầu tư đến nơi đến chốn.

Theo ông Lân, năm 2002, khi thi đấu trong nghề mộc, Indonesia gần như không có tên tuổi gì. Đến nay, đây là nghề thế mạnh của nước bạn và họ lại không có đối thủ. Nói như vậy để thấy, trong quá trình thi và với mọi nghề thi, chúng ta không giữ phong độ được mãi nếu không ôn luyện chu đáo, cập nhật công nghệ và đầu tư cho việc học hỏi ở những quốc gia có nền sản xuất, công nghệ phát triển.

Cũng theo ông Lân, kinh phí dành cho công tác dạy nghề chỉ chiếm khoảng 8% ngân sách dành cho ngành giáo dục. Kinh phí hạn chế và bản thân công tác dạy nghề còn nhiều hạn chế, nhưng để làm nên cái gọi là năng suất lao động thì còn nhiều yếu tố chứ không chỉ có công tác dạy nghề. “Bao nhiêu cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ,… ra “lò” mỗi năm cũng phải có trách nhiệm với năng suất lao động quốc gia chứ không thể “đổ” hết cho dạy nghề”, ông Lân nhấn mạnh.

Công nghệ sản xuất và kỹ năng nghề sẽ quyết định năng suất lao động. Do đó, dù đi trong các kỳ thi chúng ta đứng đầu nhưng năng suất lao động thấp còn do tính đồng đều trong đội ngũ lao động chưa cao. Trong đội ngũ lao động, số người chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ quá cao, trong khi ILO (Tổ chức Lao động quốc tế) tính năng suất lao động bằng cách lấy tổng sản phẩm quốc nội/tổng số lao động. Thực tế, chỉ 18-20% lao động Việt Nam qua đào tạo và số này phải “gánh” 80% còn lại trình độ gần như bằng 0, đây là sự chênh lệch quá lớn. Trong khi đó, ở nhiều nước, số lao động qua đào tạo chiếm tới 40 - 50%.

Ông Lân cũng chỉ ra hạn chế là chính sách trọng dụng đội ngũ “hạt giống đỏ” sau mỗi kỳ thi tay nghề khu vực và thế giới chưa được quan tâm đúng mức. Sau mỗi kỳ thi có tổng kết, đánh giá, khen thưởng và rất nhiều thí sinh xuất sắc chỉ dừng phần thưởng ở số tiền thưởng và tấm bằng khen. Sự ưu ái mới ở mức tuyển thẳng những “hạt giống” này lên học đại học nghề. Nếu những cá nhân xuất sắc này có được môi trường làm việc, thiết bị sản xuất hiện đại và chế độ đãi ngộ như ở Singapore, năng suất lao động của họ có thể vượt qua một lao động Singapore. 

Theo LĐO