Tại Hội thảo về chính sách an ninh-quốc phòng chung trong mối quan hệ giữa Hiệp hội các quốc gia Đông-Nam Á (ASEAN) và Liên minh châu Âu (EU), diễn ra tại thủ đô Brussels (Bỉ) từ ngày 11-14/3, đại diện đoàn Việt Nam đã nêu quan điểm giải quyết các thách thức ở khu vực và trên thế giới.
 
images943288_0312_hoithao.jpgQuang cảnh hội thảo.
 
Thay mặt đoàn Việt Nam, Đại tá Vũ Văn Khanh, Phó Ban nghiên cứu quốc tế thuộc Học viện chiến lược quốc phòng (Bộ Quốc phòng) đã có bài tham luận tại hội thảo về quan điểm của Việt Nam trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại Trung Đông và Bắc Phi, nhất là ở Syria, tình hình bán đảo Triều Tiên.
 
Đại tá Vũ Văn Khanh nhấn mạnh tình hình trên biển Hoa Đông trở nên phức tạp và căng thẳng sau khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) tại khu vực này, bao trùm cả khu vực nhóm đảo đang có tranh chấp với Nhật Bản và chồng lấn lên vùng nhận diện phòng không của các nước xung quanh. 
 
Đối với vấn đề Biển Đông, Việt Nam phản đối tuyên bố “đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Việt Nam luôn chủ trương thông qua đàm phán nhằm giải quyết một cách hòa bình mọi tranh chấp trên Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và Tuyên bố về bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông nhằm giữ gìn hòa bình, ổn định và tìm kiếm giải pháp cơ bản lâu dài mà các bên đều có thể chấp nhận được. 
 
Việt Nam bày tỏ quan ngại về những bất ổn ở một số nước Đông Nam Á như xung đột tôn giáo, sắc tộc tại một số nước gồm Myanmar, Thái Lan, Philippines, bất ổn nội bộ tại Thái Lan và Campuchia. 
 
Liên quan đến vấn đề an ninh biển, Việt Nam mong muốn EU, với tư cách là một liên minh mạnh và có những lợi ích ở khu vực, đóng góp tích cực vào việc giải quyết thỏa đáng vấn đề ADIZ của Trung Quốc tại biển Hoa Đông và ngăn chặn những hành động tương tự tại các khu vực khác, đồng thời trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như những sự hỗ trợ cần thiết cho các quốc gia trong khu vực để giải quyết vấn đề này.
 
Hội thảo về chính sách an ninh-quốc phòng chung trong mối quan hệ giữa ASEAN và EU do Cơ quan hành động đối ngoại châu Âu (EEAS), Học viện An ninh-Quốc phòng châu Âu và Bộ Tổng tham mưu EU đồng tổ chức. 
 
Tham dự hội thảo có đại diện các cơ quan quốc phòng thuộc các nước thành viên EU và ASEAN cùng các nước thành viên Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF). 
 
Việt Nam tham dự hội thảo với tư cách điều phối viên mối quan hệ ASEAN-EU. Đây là lần đầu tiên một sự kiện kết nối an ninh-quốc phòng giữa ASEAN-EU được tổ chức với mục đích giúp tìm hiểu các nguyên tắc về chính sách an ninh và phòng thủ chung của EU (CSDP) cũng như sự can thiệp của EU đối với các hoạt động bên ngoài bao gồm tình báo cảnh sát, bảo vệ các đường bên giới bên ngoài và giám sát biển.
 
Trọng tâm cụ thể cũng được đặt vào mối quan hệ EU-ASEAN về an ninh, an toàn hàng hải cũng như triển vọng hợp tác tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 
 
CSDP được thành lập dựa trên Hiệp ước Lisbone năm 2009. Đây là công cụ chủ yếu trong chính sách đối ngoại của EU giúp Liên minh này tăng cường khả năng triển khai lực lượng giải quyết khủng hoảng trên thế giới, đặc biệt tại các khu vực châu Phi, châu Á, Trung Đông, Kavkaz và tham gia chống cướp biển Somalia.
 
Theo Vietnam+