Nhận thức rõ điều này, thời gian qua, các cơ quan chức năng thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để ngư dân nhận thức rõ việc lắp đặt thiết bị VMS nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động khai thác thủy sản, người và tài sản của ngư dân.
Hải Phòng là ngư trường trọng điểm của cả nước với 4.500 tàu thuyền, trong đó có 350 tàu đánh bắt xa bờ tập trung ở các quận, huyện Đồ Sơn, Thủy Nguyên, Cát Hải, Kiến Thụy (Hải Phòng). Đây còn là địa bàn thường xuyên của hàng nghìn tàu cá các tỉnh từ Quảng Ninh đến Phú Yên ra khai thác thủy sản. Thời gian qua, bên cạnh các biện pháp, chế tài xử lý nghiêm tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, công tác tuyên truyền, vận động bà con ngư dân ở các địa phương của thành phố trong việc lắp đặt thiết bị VMS của cơ quan chức năng đã cho kết quả tích cực.
Đơn cử như ở cảng cá Mắt Rồng ở xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên. Đây là nơi neo đậu của gần 300 phương tiện đánh bắt hải sản và tàu dịch vụ nghề cá của 3 xã Lập Lễ, Phục Lễ và Phả Lễ. Theo Thiếu tá Phạm Hồng Kiên -Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Bạch Đằng, Đồn Biên phòng Tràng Cát, đến nay số lượng tàu cá được lắp thiết bị VMS lên đến 98%, chỉ còn một vài tàu chưa lắp vì số tàu này thường xuyên nằm tại cảng.
Theo ông Vũ Văn Cự - Liên tập đoàn trưởng, Liên tập đoàn Đánh cá biển Nam Triệu (xã Lập Lễ), trước đây, ngư dân của địa phương chủ yếu hoạt động tự do, chưa hiểu hết được mục đích, lợi ích của việc lắp đặt thiết bị VMS nhưng khi được các cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động thì bà con đã nhận thức được tầm quan trọng của việc làm này và tự giác chấp hành. Vừa đạt được lợi ích chung của đất nước, vừa vì quyền lợi của từng bà con và từng chủ tàu.
Có thể thấy, từ khi triển khai việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, tình trạng ngư dân ở các địa phương của thành phố vi phạm pháp luật trong quá trình hành nghề đã giảm xuống. Không chỉ vậy, điều đó còn giúp cho ngư dân và phương tiện có được kênh thông tin, tránh được những rủi ro trong quá trình hành nghề. Thường xuyên khai thác, đánh bắt tại ngư trường Vịnh Bắc Bộ, anh Đinh Như Tài, ngư dân xã Lập Lễ rất quan tâm đến thời tiết, mưa bão. Trước đây, anh thường xuyên cập nhật thông tin về bão, áp thấp nhiệt đới cũng như được hướng dẫn di chuyển đến vùng an toàn. Sau khi lắp đặt thiết bị VMS, con tàu của anh có thêm một kênh tiếp nhận thông tin tin cậy. Đinh Như Tài cho biết: “Không chỉ nhắc nhở cho chúng tôi biết vị trí, vùng biển mình đang khai thác hải sản, thiết bị VMS còn thường xuyên thông báo để ngư dân biết về tình hình thời tiết trên các vùng biển. Điều đó giúp chúng tôi chủ động hơn để ứng phó với thời tiết trong quá trình đánh bắt!”.
Còn anh Nguyễn Trọng Minh, ngư dân xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) hiện đang làm việc trên tàu cá của xã Lập Lễ thì chia sẻ: “Việc lắp đặt thiết bị VMS giúp mình biết được vùng, miền mình đánh bắt ở đâu để không đi qua vùng biển của mình. Mình có thể biết được địa điểm và khi có vấn đề gì trục trặc trên biển thì có thể điện báo ngay cho các cơ quan đến hỗ trợ, thực sự nó cũng có nhiều lợi ích lắm!”.
Là người thường xuyên làm nhiệm vụ trên biển, Đại úy Hoàng Văn Đức - Cảnh sát viên, Đội Nghiệp vụ số 1, Phòng Pháp luật (BTL Vùng Cảnh sát biển 1) cho biết: “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, BTL Vùng Cảnh sát biển 1 đã kết hợp với lực lượng Biên phòng và cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tuyên truyền cho bà con ngư dân nắm chắc về tác dụng của thiết bị VMS. Từ đó bà con tự giác lắp đặt để trong quá trình khai thác thủy sản đúng khu vực, không vi phạm sang vùng biển nước ngoài. Nhất là trong quá trình gặp sự cố ở trên biển, thiết bị VMS rất quan trọng, giúp bà con xác định được vị trí tàu gặp nạn đề cơ quan chức năng đến để cứu giúp bà con!”.
Giờ đây, bà con ngư dân đã tự tin hơn trong những ngày dài vươn khơi, bám biển. Cùng với sự hiểu biết về pháp luật, sự hỗ trợ từ các lực lượng chức năng, những thiết bị VMS đã trở thành điểm tựa để bà con ngư dân đẩy mạnh vươn khơi khai thác thủy sản trên các vùng biển xa, vừa sản xuất phát triển kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.