Những bước đi đầu tiên của CEO Tú cho thấy, những lo ngại bầu Tú sẽ nghiêng về đại diện phần vốn của VFF, cổ đông góp vốn lớn nhất (35,4%) tan biến. Những năm tháng lăn lộn với futsal khiến cho ông bầu Chủ tịch Liên đoàn bóng đá TP.Hồ Chí Minh (HFF) và còn là Ủy viên Thường trực VFF thấu hiểu được vai trò của VPF lẫn CLB tại sân chơi V-League.
Không hạ giá V-League
VPF đang làm cho giải vô địch “gần giống chuyên nghiệp” tiệm cận gần hơn với các chuẩn quốc tế, trong phạm vi có thể.
Đến nay, sân bãi và khán đài là điều VPF quyết tâm nâng cấp, sau bài học Quảng Nam vô địch nhưng không được tham dự AFC Champions League. Đến nay, 10/13 sân (CLB Sài Gòn và TPHCM dùng chung sân) đã lắp thêm ghế khu khán đài B, nhiều mặt sân được CLB cải tạo.
Quan tâm đến khán giả
Để quảng bá hình ảnh CLB, cầu nối khán giả với BHL, cầu thủ VPF đã yêu cầu các đội bóng lập fanpage và cử người quản lý. Thậm chí, CLB chậm trễ thì VPF còn cử cán bộ “làm hộ”, đến nay 13/14 CLB có fanpage chính thức (trừ Đà Nẵng).
Cùng với việc đẩy mạnh công tác truyền thông, đưa bóng đá gần hơn khản giả, bầu Tú không giấu tham vọng sẽ lôi được trung bình 10.000 khán giả/trận như thời đỉnh cao V- League 2009. VPF sẽ đẩy mạnh công tác quản lý các hội CĐV, xem đây là hạt nhân trong việc quảng bá hình ảnh bóng đá Việt Nam. Ngoài các phần thưởng tháng, quý thì VPF khuyến khích các CLB có nhiều hình thức bán vé, tổ chức giao lưu với các cầu thủ, rút thăm may mắn…để tạo không khí sôi động trước, trong và sau trận đấu.
Sau thắng lợi của U23 VN tại Trung Quốc, bóng đá Việt Nam đang có hiệu ứng tích cực, lãnh đạo Chính phủ quan tâm nhiều đến sự phát triển môn thể thao Vua, khán giả hồ hởi. Đây chính là thời cơ để VFF, VPF nhanh chóng cải tổ sân chơi V- League 2018, đẩy nó lên một tầm cao mới.