(Baonghean.vn) - Mấy mùa giải gần đây, V. League không còn những cuộc chạy đua rầm rộ trên thị trường chuyển nhượng cầu thủ. Giá trị ảo đã thôi hoành hành nền bóng đá nước nhà, thay vào đó là những bước đi căn cơ có định hướng cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Nhưng V. League 2017 đang hình thành những cuộc chạy đua mới, giá trị của nó tích cực hơn nhiều.
1. Năm 2002, HAGL với Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức đã gây tiếng vang lớn khi chiêu mộ bộ 3 Thái Lan là Kiatisuk, Dusis, Chukiat. Cùng với đó là sự đổ bộ ào ạt những ngôi sao của bóng đá Việt Nam (BĐVN) lúc bấy giờ như: Nguyễn Hữu Đang, Văn Sỹ Hùng... về phố núi Pleiku.
Trước độ chịu chơi của Bầu Đức khiến một ông bầu khác không thể ngồi yên, đó là Chủ tịch CLB Gạch Đồng Tâm Long An (giờ là CLB Long An) Võ Quốc Thắng. Ngay lập tức, sân Tân An cũng trở nên nhộn nhịp với hàng loạt cầu thủ tới đầu quân. Điển hình trong số này có HLV Henrique Calisto và bộ 3 cầu thủ người Brazil là anh em nhà Rodriguez (Antonio và Carlos), Santos...
Cuộc chạy đua giữa HAGL và Gạch Đồng Tâm Long An đã kéo theo cả B. Bình Dương, SHB Đà Nẵng vào những màn so kè nhau cả trong và ngoài sân cỏ. Giai đoạn 2003 - 2013, V. League đầy rẫy các ngôi sao tứ xứ, nhuốm màu tiền bạc.
Chẳng mấy chốc, giải đấu số 1 Việt Nam trở thành “giải đấu số 1 ĐNA”. Hàng loạt những phi vụ chuyển nhượng tốn kém được “các đại gia” của bóng đá Việt Nam thực hiện ở châu Phi, Nam Mỹ và Thái Lan. Các ngôi sao hết thời như Denilson (cầu thủ ngôi sao Braxin đầu quân cho Xi măng Hải Phòng năm 2009) hay đang ở độ chín của sự nghiệp như Lee Nguyễn, Thonglao... cũng quy tụ ở V. League.
Nhưng rồi mọi thứ dần trở lại quỹ đạo bình thường, những vụ chuyển nhượng với con số nhiều tỷ như Lê Công Vinh, Việt Thắng. Quang Hải... đã không còn, thay vào đó là số lượng cầu thủ chuyên nghiệp trở về bán bánh, mở quán cà phê... vì thất nghiệp ngày càng nhiều thêm. Bức tranh V. League mang một màu ảm đạm đến khủng khiếp. Nhiều người nhìn vào đó không khỏi ngán ngẩm, tiếc về “thời kỳ hoàng kim” của hơn 1 thập kỷ trước. Dù rằng, V. League ngày đó chỉ là cuộc chạy đua vũ trang về tiền bạc theo kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy”, nhưng đó vẫn là quãng thời gian đáng để ghi nhận.
2. Năm 2015, Sở VHTT & DL Quảng Ninh cho phép CLB Than Quảng Ninh tiếp quản Sân vận động Cẩm Phả. Nhờ đó, mà “thánh địa” Cẩm Phả trở thành sân đấu có cơ sở vật chất hiện đại hàng đầu tại V.League 2016. Thành công của sân Cẩm Phả chính là cơ sở giúp UBND thành phố Hải Phòng quyết định giao cho CLB Hải Phòng quyền quản lý và khai thác Sân vận động Lạch Tray.
Mới đây, ngày 20/12/2016, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trao quyết định giao sân Hàng Đẫy cho CLB Hà Nội. Theo thông tin được tiết lộ, ban lãnh đạo CLB Hà Nội đang có kế hoạch xây dựng sân Hàng Đẫy trở thành sân đấu hiện đại hàng đầu cả nước.
Trận đấu khai màn V. League 2017 giữa SHB Đà Nẵng và HAGL chính là trận đấu “mở hàng” Sân vận động Hòa Xuân ở Đà Nẵng. Kể từ mùa giải năm nay, Sân vận động Chi Lăng đã không còn là sân nhà của SHB Đà Nẵng sau mấy thập kỷ gắn bó. Dù vẫn nằm trong sự quản lý của UBND thành phố Đà Nẵng, nhưng hứa hẹn sân Hòa Xuân sẽ góp phần giúp SHB Đà Nẵng nói riêng, bóng đá sông Hàn nói chung phát triển vượt bậc. Theo quan sát, “nhà mới” của SHB Đà Nẵng khá hiện đại, sức chứa của 4 khán đài A, B, C, D khoảng 2 vạn khán giả.
Cách đây gần 1 tháng, có thông tin, đội bóng FLC Thanh Hóa đang xúc tiến kế hoạch xây dựng sân vận động riêng với sức chứa khoảng 4 vạn khán giả, giống với sân nhà Allianz Arena của Bayern Munich. Nếu kế hoạch này thành công, bóng đá Việt Nam sẽ có thêm một CLB được sở hữu sân vận động. Điều này, sẽ làm cho cuộc đua “sở hữu sân đấu” tại V. League của các CLB thêm phần sôi động, tạo ra hiệu ứng có tính lan tỏa cao.
Như vậy, sau HAGL, Than Quảng Ninh giờ đến lượt SHB Đà Nẵng, CLB Hà Nội và sắp tới là FLC Thanh Hóa sẽ có sân vận động riêng. Dường như, đây đang là một trào lưu chung của bóng đá Việt Nam. Việc các đội bóng được sở hữu sân đấu riêng sẽ giải quyết tình trạng “cha chung không ai khóc” diễn ra suốt thời gian dài qua, góp phần không nhỏ vào sự kìm hãm đối với sự phát triển của nền bóng đá nước nhà. “Con gà tức nhau tiếng gáy”, những CLB còn lại chắc cũng không chịu kém cạnh HAGL, Than Quảng Ninh, SHB Đà Nẵng, CLB Hà Nội, FLC Thanh Hóa.
Có thể trong thời gian tới, sẽ có thêm những đội bóng thực hiện kế hoạch “tậu” cho mình một sân vận động riêng nhằm phát triển theo hướng chuyên nghiệp hơn. Khi đó, với việc nắm quyền quyết định, sở hữu sân vận động của các CLB sẽ giúp BĐVN có nhiều hơn những sân đấu chất lượng góp phần vào sự phát triển chung của nền bóng đá nước nhà theo hướng chuyên nghiệp hơn. Bởi, cơ sở vật chất có ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng của mọi giải đấu.
Giải đấu hàng đầu nước Ý là Serie A, vốn được đánh giá là chất lượng, hấp dẫn nhất châu Âu trong những năm thập niên 80 – 90 của thế kỷ trước. Nhưng hiện tại giải đấu danh giá nhất “xứ sở mì ống” đã bị Premier League, La Liga, Bundesliga bỏ lại phía sau. Trong rất nhiều nguyên nhân như nạn dàn xếp tỉ số, yếu kém tài chính...thì các sân bóng vẫn nằm trong quyền quản lý của Nhà nước (hội đồng thành phố) cũng là nguyên nhân khiến Serie A tụt hậu. Nhờ quyết định xây dựng sân vận động Juventus Arena, phần nào giúp “bà đầm già thành Turin” khác nhiều hơn so với những CLB còn lại ở đất nước “hình chiếc ủng”.
Vừa qua, trên trang facebook cá nhân, Quyền Chủ tịch CLB TP.HCM Lê Công Vinh đã khoe bức ảnh về phòng thay đồ của đội nhà hiện đại chẳng thua kém gì các CLB của châu Âu. Biết đâu, “sự sung sướng” mà các cầu thủ CLB TP.HCM được hưởng sẽ kích thích BLĐ các đội bóng khác mạnh tay đầu tư cho các cầu thủ của mình có được 1 phòng thay đồ khang trang, hiện đại. Đôi khi, có những việc xẩy ra không nằm trong kế hoạch mà bột phát từ sự “nóng mắt” mà thôi.
Trái bóng V. League 2017 đã lăn, một mùa giải mới với nhiều hy vọng sẽ sáng sủa hơn năm cũ. Lúc này, những người hâm mộ BĐVN cần hiệu ứng “con gà tức nhau tiếng gáy” ở ông chủ của các đội bóng./.
Thanh Hưng