(Baonghean) - Ngày 14/6/1957, Bác Hồ về thăm quê hương lần thứ nhất sau 50 năm xa cách, Nhà nhiếp ảnh Văn Đồng được Bí thư Tỉnh ủy Võ Thúc Đồng gọi điện cho ngành Văn hóa cử đi chụp ảnh Bác Hồ. Văn Đồng bối rối, xúc động vì được đi chụp ảnh lãnh tụ, thật là niềm vinh dự quá lớn đối với ông.Văn Đồng là một người có tay nghề giỏi, nhiều kinh nghiệm nên khi thực hiện nhiệm vụ, ông nhiệt tình nhanh nhạy tìm những góc độ bấm máy chuẩn để ghi được hình ảnh Bác một cách rõ nhất, đẹp nhất. Ông đã vinh dự có mặt trong buổi sáng thiêng liên ngày 14/6/1957, khi Bác về thăm quê lần thứ nhất. Bác đứng cùng bà con trước mảnh vườn ngôi nhà Người đã sống cùng cha và các anh chị thời niên thiếu; Bác thăm cố Thuyên - người bạn xưa, thăm các cháu thiếu nhi Nam Liên, trại trẻ miền Nam; thăm công trường xây dựng Nhà máy Điện Vinh; thăm các đơn vị quân đội. Bác nói chuyện với đại biểu nhân dân Nghệ An tại hội trường Tỉnh ủy trong thành cổ Vinh. Nghe những lời Bác nói, lòng ông xúc động, nước mắt chảy nhòe, không nhìn rõ ống kính máy ảnh để chụp.

Vinh dự được chụp ảnh Bác Hồ về thăm quê ảnh 1

Nhà Nhiếp ảnh Văn Đồng

Ngày 8/12/1961, Bác Hồ về thăm quê hương lần thứ hai, Văn Đồng đã chụp hình ảnh chiếc máy bay chở Bác hạ cánh xuống Sân bay Vinh trong không khí hân hoan chào đón của nhân dân. Đồng chí Chu Huy Mân, Võ Thúc Đồng ra tận cầu thang đón Bác. Chiếc xe mui trần chở Bác, tay Bác vẫy chào, nhân dân Nghệ An nồng nhiệt chào đón Bác. Bác làm việc với BCH Tỉnh ủy, thăm nhà ăn tập thể Tỉnh ủy, nói chuyện với cán bộ chiến sỹ Quân Khu 4; thăm trại thương binh; đặt vòng hoa viếng các liệt sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh tại Thái Lão. Bác ngồi giữa sân với cán bộ tỉnh, huyện, xã và bà con quê ngoại làng Chùa, bên ngôi nhà lá của cụ Hoàng Xuân Đường, ông ngoại của Người làm cho ông bà thân sinh Bác, cũng là nơi Người cất tiếng khóc chào đời. Nhiều bức ảnh sinh động có giá trị được Văn Đồng chụp lại như: Bác thăm nhà máy cơ khí Vinh, nói chuyện với cán bộ học sinh Trường Sư phạm Miền núi. Bác Hồ cùng vỗ nhịp hát với các cháu học sinh giỏi Thị xã Vinh. Bác Hồ với đại biểu Việt Kiều Thái Lan ở Vinh. Bác thưởng kẹo cho các diễn viên sau buổi biểu diễn vở chèo “Cô gái sông Lam”; Tác giả Nguyễn Trung Phong được Bác tặng huy hiệu, Bác gặp các phóng viên báo chí, thăm Hợp tác xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành; Bác thăm đồi cà phê Nông trường Đông Hiếu (Nghĩa Đàn); Bác chụp ảnh chung với chuyên gia các nước bạn đang làm việc ở khu vực Nghĩa Đàn… Rất nhiều những bức ảnh tiêu biểu do nghệ sĩ Văn Đồng ghi lại được hết sức sống động trong số nhiều hình ảnh giá trị mà ông đã chụp được trong 2 lần Bác Hồ về thăm quê hiện còn lưu giữ trong Bảo tàng và xuất bản sách ảnh “Bác Hồ với quê hương”. Văn Đồng kể lại: một hôm Bác gặp ông, Bác nói trước mọi người: “Chú chụp ảnh này rất say sưa, tận tụy… chú ngồi gần Bác để chụp chung kiểu ảnh kỷ niệm”. Sau đó ông được Ủy Ban hành chính tỉnh Nghệ An tặng thư khen trong việc phục vụ đón tiếp Hồ Chủ tịch về thăm quê 2 lần. Ông xúc động: “Đây là kỷ niệm quý nhất trong đời nghệ sĩ của mình”.Văn Đồng sinh năm 1920 tại huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình. Thời thuộc Pháp, gia đình ông vào Vinh sinh sống, ông phải làm nhiều nghề để mưu sinh, song nghiệp nhiếp ảnh đã vận vào ông. Năm 1959, ông có tác phẩm “Hợp tác xã Tiền Phong cày trong sương sớm” được tặng bằng khen cuộc thi ảnh Quốc tế Bifota – Cộng hòa dân chủ Đức. Văn Đồng là người đam mê nhiếp ảnh, luôn khám phá, tìm tòi sáng tạo: Trong chiến tranh chống Mỹ, ông đội mũ sắt trên đầu, máy ảnh to nhỏ với tê lê lắp sẵn được ngành văn hóa trang bị, lại thêm khẩu súng hơi, con dao và bình tông rượu, chiếc xe đạp cà tàng. Với từng đó hành trang ông đã đi khắp các nẻo được chênh vênh xứ Nghệ, ghi vào ống kính không khí lao động sản xuất “Tay liềm tay súng”, “Tay búa tay súng” của những người nông dân, công nhân hoặc các chiến sĩ trên mâm pháo nhằm thẳng quân thù bắn, những máy bay Mỹ như ngọn đuốc trên bầu trời quê hương…Văn Đồng được bầu là Ủy viên BCH Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam khóa 7 phụ trách tuyến lửa Khu 4. Ủy viên BCH Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khóa 1 và 2. Ông sống giản dị kham khổ. Cuộc đời như cơn lốc, ông ra đi đột ngột, khi mà khát vọng nghề nghiệp, niềm hy vọng còn rực lửa trong con người ông. Văn Đồng đã dừng đời sống thế gian năm thứ 63 trong niềm nhớ tiếc của anh em văn nghệ sĩ tỉnh nhà.

Bài, ảnh: Bùi Xuân Lương