(Baonghean) Nghệ nhân dân gian Hà Thị Cầu, người được mệnh danh là “người hát xẩm cuối cùng của thế kỷ XX” đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 12 giờ 30 trưa ngày 3/3 tại nhà riêng ở huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Đây là tin buồn không chỉ đối với riêng gia đình nghệ nhân Hà Thị Cầu mà còn với cả nền âm nhạc dân gian nước nhà - bởi từ lâu bà đã được coi là "báu vật sống" của nghệ thuật hát xẩm và khoảng trống mà bà để lại là không gì bù đắp được.

Cách đây 6 năm, vào đầu năm 2007, trong lần ra Ninh Bình thăm một người bạn, tôi đã được diện kiến nghệ nhân Hà Thị Cầu, được nghe từ bà những làn điệu xẩm da diết  và  tôi luôn cho rằng đó là một niềm hạnh ngộ lớn trong cuộc đời làm báo.

Đến giờ, tôi vẫn không thể quên được ấn tượng đầu tiên khi đến ngôi nhà của nghệ nhân dân gian nổi tiếng này. Trước khi được người bạn ở Ninh Bình dẫn đến nhà bà Cầu, tôi đã tưởng tưởng đó hẳn phải là một ngôi nhà ba gian đặc trưng của Bắc bộ với ngõ sâu, sân rộng và một khu vườn xanh mát trước nhà. Nhưng nơi tôi đến lại mà một ngôi nhà nhỏ chật hẹp nằm ngay ở ven đường nhựa, phía trong một dãy tường thấp lè tè và cái cổng gỗ xộc xệch, không có ngõ cũng chẳng có vườn (sau này tôi mới biết gia đình bà Cầu thuộc diện những hộ nghèo nhất của xã Yên Phong, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình).

Thời điểm tôi gặp, bà Cầu vừa trải qua một trận ốm thập tử nhất sinh, hàng ngày chỉ ngồi dựa lưng vào thành giường, chân tay run run, giọng nói ngắt quãng. Nhưng thật lạ, khi nói về hát xẩm, như khơi đúng mạch, bà chợt hào hứng hẳn lên, giọng nói trở nên lưu loát, vang vang và truyền cảm lạ.

                                Nghệ nhân Hà Thị Cầu trò chuyện với tác giả.

Trong khi trò chuyện với bà, tôi chợt nhớ đến một nhận xét của nhạc sỹ, nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Khương Cường  -  người từng về ở nhà bà Hà Thị Cầu một thời gian để học hỏi, ghi âm các làn điệu xẩm: “Cái khí chất của bà thật đặc biệt. Giọng hát, tiếng nhị của bà rất cuốn hút, sống động, tự nhiên, bà hát không phải để được hoan hô, mà hát như giãi bày tấm lòng... Cả đời đi hát xẩm, có lẽ đã tiếp xúc nhiều người nên bà cụ rất tinh tế, nhạy cảm, tinh tế từ cách nói chuyện, bông đùa, gặp ai là bà biết ngay phải nói chuyện với họ thế nào”. Thế nên, khi được nghe bà Cầu nói về xẩm và cất lên vài làn điệu xẩm, tôi đã nghĩ mình quả là may mắn.

Xin được tóm tắt một vài dòng về cuộc đời nghệ nhân Hà Thị Cầu: Từ nhỏ, bà Cầu đã theo mẹ đi hát xẩm rong và thuộc tất cả các điệu xẩm mẹ dạy cho, vừa hát vừa chơi được nhiều nhạc cụ như nhị, trống, phách... cùng một lúc. Không biết chữ, bà chỉ học hát bằng cách nhập tâm từng câu, từng lời, từng lối luyến âm, nhả chữ. Khi xẩm đã hoàn toàn ngấm sâu vào máu thịt thì bà cũng đã trở thành một người hát xẩm rong nổi danh ở vùng Hà - Nam - Ninh. Năm 16 tuổi, trong một lần hát rong qua Yên Phong (Yên Mô- Ninh Bình), bà Cầu đã gặp và cảm mến ông Mậu - một "trùm xẩm" ở Yên Mô, rồi trở thành vợ thứ 18 của ông Mậu. Hai ông bà đã lập gánh xẩm, rồi cùng nhau phiêu bạt khắp nơi để được sống với niềm đam mê hát xẩm rong và có với nhau 7 người con (nhưng chỉ nuôi được 3 người). Năm bà Cầu mới 33 tuổi thì ông Mậu mất, gánh xẩm cũng tan. Bà trở lại Yên Phong quê ông, một mình bà nuôi ba đứa con bằng cách đi hát thuê ở các đám ma, đám giỗ hoặc hát rong ở đình, ở chợ.

Cả một đời sướng khổ, vui buồn vì xẩm, đã nổi tiếng khắp vùng và nhiều vùng quê khác vì tiếng hát thanh cao, tròn trịa mà khắc khoải và tài kéo nhị da diết, ai oán nhưng mãi đến năm 1979, bà Cầu mới được Nhà nước phát hiện, công nhận tài năng qua Liên hoan nghệ thuật quần chúng toàn quốc tổ chức tại Thái Bình - nơi bà được trao tặng Huy chương cho tiết mục xuất sắc đàn và hát dân ca. Rồi sau đó là nhiều Huy chương qua các liên hoan, hội diễn, bằng chứng nhận Nghệ nhân, danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú. Năm 2008, bà được trao giải thưởng Đào Tấn, giải thưởng cho những đóng góp trong việc gìn giữ vốn quý nghệ thuật dân tộc. Mặc dù có nhiều giải thưởng và danh hiệu, nhưng cuộc sống của bà Cầu vẫn vô cùng khổ cực. Nhưng đáng buồn hơn là khi vẻ đẹp của xẩm phần nào được công nhận thì người dân đã không còn thói quen và cũng ít có cơ hội để đến với nó, và nghệ thuật hát xẩm đã mai một đi rất nhiều. Bà Cầu biết và xót xa lắm, nhưng tuổi già và những trận ốm không cho phép bà tiếp tục được "rút ruột ra mà ca" (lời bà Cầu) để tiếp tục "giữ lửa" cho xẩm như trước.

...Những năm gần đây, biết bà Cầu ốm đau thường xuyên, tôi vẫn liên lạc với những người bạn ở Ninh Bình để nắm tình hình sức khỏe của bà. Biết sinh lão bệnh tử là quy luật, ngày bà tái ngộ với ông “trùm xẩm” Mậu rất gần, nhưng khi nó đến rồi vẫn không tránh khỏi cảm thấy hụt hẫng. Tiếc thương nghệ nhân Hà Thị Cầu, và cũng thương cho một loại hình âm nhạc dân gian quý của nước nhà..!

Mai Anh