(Baonghean) - Ngày 19/12/2017, Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã công bố Bảng xếp hạng Top 10 Doanh nghiệp niêm yết uy tín năm 2017 với vị trí đứng đầu thuộc về Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Đây là năm thứ 3 liên tiếp Vinamilk được bình chọn dẫn đầu với tỷ lệ lựa chọn cao nhất.
Uy tín của các doanh nghiệp niêm yết được xây dựng dựa trên nghiên cứu về ảnh hưởng của các yếu tố tài chính, hình ảnh doanh nghiệp trên truyền thông và đánh giá của các chuyên gia tài chính - chứng khoán.
Cụ thể bao gồm: Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính gần nhất (tổng tài sản, tổng doanh thu, lợi nhuận sau thuế, hiệu quả sử dụng vốn, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước…); Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; Khảo sát chuyên gia đánh giá các cổ phiếu tiêu biểu và tiềm năng tăng trưởng; Khảo sát doanh nghiệp được thực hiện trong tháng 12/2017 về quy mô vốn, thị trường, lao động, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, kế hoạch hoạt động trong năm 2017.
Vinamilk là doanh nghiệp được nhiều chuyên gia đánh giá đứng vị trí số 1 về uy tín với tỷ lệ lựa chọn là 66,7% - cao nhất trong nhóm cổ phiếu Blue Chip (cổ phiếu chất lượng cao do các công ty lớn phát hành), đồng thời nằm trong những doanh nghiệp dẫn đầu về tổng doanh thu và có lợi nhuận sau thuế năm 2016 thuộc Top 5 so với các doanh nghiệp niêm yết hoạt động cùng ngành. Bên cạnh đó, Vinamilk cũng là doanh nghiệp thể hiện uy tín cao trên truyền thông với tỷ lệ chênh lệch thông tin tích cực và tiêu cực trên 10%.
Có thể thấy, truyền thông có tác động không nhỏ đến hoạt động cũng như giá cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết. Để xây dựng uy tín tốt trên truyền thông, doanh nghiệp cần lựa chọn công bố đúng và đủ lượng thông tin cần thiết, có kế hoạch dự phòng cho những trường hợp khủng hoảng thông tin bất ngờ.
Để đạt được vị trí đứng đầu bảng xếp hạng Top 10 doanh nghiệp công ty niêm yết uy tín, kết quả kinh doanh trong 9 tháng đầu năm của Vinamilk ghi nhận 38.758 tỷ đồng tổng doanh thu, cao hơn 10% cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, Vinamilk là một trong những doanh nghiệp đóng góp nhiều nhất cho ngân sách nhà nước. Trong năm 2016, Vinamilk đã nộp ngân sách 4.130 tỷ đồng, đứng vị trí thứ 2 trong số các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam.
Là một doanh nghiệp sữa hàng đầu tại Việt Nam, hiện nay Vinamilk đã có hệ thống 10 trang trại đang hoạt động, đều có quy mô lớn với toàn bộ bò giống nhập khẩu từ Úc, Mỹ, và New Zealand. Hệ thống trang trại Vinamilk trải dài khắp Việt Nam tự hào là những trang trại đầu tiên tại Đông Nam Á đạt chuẩn quốc tế Thực Hành Nông Nghiệp Tốt Toàn cầu (Global G.A.P.).
Trang trại bò sữa Organic tại Đà Lạt vừa khánh thành vào tháng 03/2017 là trang trại bò sữa Organic đầu tiên tại Việt Nam đạt được tiêu chuẩn Organic châu Âu do Tổ chức Control Union (Hà Lan) chứng nhận. Tổng đàn bò cung cấp sữa cho Công ty hiện nay bao gồm các trang trại của Vinamilk và bà con nông dân có ký kết hợp đồng bán sữa cho Vinamilk là hơn 120.000 con bò, cung cấp khoảng 750 tấn sữa tươi nguyên liệu để sản xuất ra trên 3.000.000 (3 triệu) ly sữa/ mỗi ngày.
Với kế hoạch phát triển các trang trại mới, công ty sẽ đưa tổng số đàn bò của Vinamilk từ các trang trại và của các nông hộ lên khoảng 160.000 con vào năm 2017 và khoảng 200.000 con vào năm 2020, với sản lượng nguyên liệu sữa dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên hơn gấp đôi, là 1500 - 1800 tấn/ngày đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu sữa thuần khiết dồi dào cho hàng triệu gia đình Việt Nam.
Ngoài 13 nhà máy sản xuất sữa trải dài khắp 3 miền trên cả nước, Vinamilk còn đầu tư xây dựng nhà máy sữa Angkor tại Campuchia (Vinamilk sở hữu 100%), Vinamilk nắm 22,8% cổ phần tại nhà máy sữa Miraka (New Zealand), sở hữu 100% cổ phần nhà máy Driftwood (Mỹ) và đầu tư công ty con tại Ba Lan làm cửa ngõ giao thương các hoạt động thương mại của Vinamilk tại châu Âu.
Sản phẩm của Vinamilk hiện cũng có mặt ở hơn 40 nước trên thế giới, như Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Canada, Mỹ, Úc... Kim ngạch xuất khẩu của của Vinamilk từ mức xấp xỉ 30 triệu USD vào năm 1998 đã tăng lên gần 260 triệu USD năm 2016.
Toàn bộ quá trình sản xuất của các nhà máy chế biến sữa Vinamilk đều đạt chuẩn GMP và các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe như tiêu chuẩn ISO 9001, ISO 17025, ISO 14000, tiêu chuẩn 22000 và tiêu chuẩn FSSC 22000, trong đó GMP là tiêu chuẩn bắt buộc đối với các nhà máy sản xuất dược phẩm và được khuyến khích áp dụng cho cả các công ty thực phẩm nói chung.
P.V