Ngày 25/9/2020 vừa qua, Bộ Y tế phối hợp với Viettel tổ chức khánh thành 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và chỉ đạo buổi lễ.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã ban hành Đề án khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 - 2025 tại Quyết định 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 với quan điểm chủ đạo là: “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”. Thông điệp này có ý nghĩa giúp tăng cường năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến dưới, được nâng tầm vươn lên “chất lượng cao hơn”; đồng thời các kiến thức chuyên môn của tuyến trên được “lan tỏa xa hơn” tới mọi người dân trên khắp các vùng, miền của Tổ quốc.
Chỉ trong 2 tháng, Viettel đã phối hợp với Bộ Y tế, Bộ TT&TT và các cơ sở y tế triển khai 1.000 điểm khám, chữa bệnh từ xa thông qua hệ thống Telehealth. Có thể nói đây là thời gian triển khai nhanh kỷ lục và đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh từ địa phương đến các bệnh viện hàng đầu đất nước.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 và sự quá tải của các bệnh viện tuyến trên thì hệ thống Telehealth của Viettel đã đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh cho tuyến đầu, với sự tham gia trực tiếp của các chuyên gia đầu ngành và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sự kiện mang ý nghĩa nhân văn khi đem lại cơ hội chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân mọi vùng, miền. Thủ tướng biểu dương sự kết hợp tốt, triển khai nhanh của Tập đoàn Viettel trong dự án ý nghĩa này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng biểu dương và chúc mừng tập thể Bộ Y tế đã nhanh chóng cụ thể hóa Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia cho ngành; triển khai thành công dự án xây dựng hệ thống khám, chữa bệnh từ xa, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân trên mọi miền của Tổ quốc, đến cả các vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
"Đây là một sự kiện quan trọng, một bước tiến lớn của ngành Y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân. Kết quả này cũng thể hiện tinh thần chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ của Chính phủ trong triển khai Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; hướng tới đưa Việt Nam trở thành một quốc gia số ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các mô hình mới. Tôi cũng biểu dương sự kết hợp tốt của Bộ TT&TT, Tập đoàn Viettel trong quátrình triển khai dự án khám, chữa bệnh từxa của BộY tế"- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Sau 2 tháng triển khai đồng loạt và quyết liệt, Dự án Viettel Telehealth đã hoàn thành trước 15 ngày, vượt 5 điểm kết nối so với mục tiêu của giai đoạn 1. Những điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa của Telehealth đã kết nối hơn 20 bệnh viện tuyến Trung ương và các bệnh viện tuyến cuối tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh tại các vùng sâu vùng xa như Trường Sa, Cô Tô, Mường Nhé… Từ đó, đồng bào ở bất cứ vùng, miền nào trên toàn quốc đều có thể được các bác sỹ đầu ngành tại Bộ Y tế, bệnh viện Trung ương hội chẩn, thăm khám, điều trị kịp thời.
Việc triển khai hệ thống Telehealth đã giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân (không phải chuyển tuyến), tăng tỷ lệ khám, chữa bệnh thành công và kịp thời nhất; tạo niềm tin cho người dân khi khám, chữa bệnh ở ngay tại địa phương. Đặc biệt, những ca bệnh khó, hiểm nghèo đã được các bác sỹ đầu ngành tư vấn và chữa trị kịp thời như mổ tim hay các bệnh nan y khác.
Trong buổi lễ, Viettel đã trao tặng 170 điểm khám, chữa bệnh Telehealth cho Bộ Y tế.
Tại Nghệ An, UBND tỉnh, Sở Y tế và Viettel đã triển khai thành công 15 điểm kết nối Telehealth, tiến tới triển khai 30 điểm trên toàn tỉnh trong năm 2020 và kết nối đến các trung tâm y tế các xã vào năm 2021.
Viettel cũng đã tài trợ cho tỉnh 4 điểm kết nối tại các huyện khó khăn. Khi kết nối tất cả các cơ sở y tế trên toàn tỉnh, các bệnh viện tuyến tỉnh có thể hỗ trợ từ xa cho các cơ sở y tế ở huyện, xã, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa; cũng như kết nối để điều hành, hỗ trợ từ sở, ngành xuống đến tận cơ sở.
Ngoài hệ thống Telehealth thì Viettel luôn tiên phong trong các lĩnh vực CNTT như Smart City - Hệ thống điều hành đô thị thông minh, hệ thống điểm báo giúp UBND tỉnh, cơ quan, doanh nghiệp lọc được những thông tin tốt, xấu, để từ đó điều chỉnh cho hợp lý; Hệ thống SOC (Security Operation Center) trung tâm an toàn thông tin, mô hình lái xe thực tế ảo, hội nghị trực tuyến…
Đặc biệt, hệ thống SOC của Viettel được các tổ chức bảo mật thế giới đánh giá cao và là hệ thống số 1 Việt Nam hiện nay, với đội ngũ gần 400 kỹ sư CNTT đầu ngành và có những kỹ sư trong TOP của thế giới được Google, Facebook, Microsoft ghi nhận vì đã tìm ra các lỗ hổng nghiêm trọng của các hãng trên.
Hệ thống Smart city Viettel có tới 8 Module lớn đáp ứng nhu cầu thiết thực của thành phố, thị xã hay thị trấn. Ngoài ra, hệ thống còn có thể kết nối các phần mềm của các sở, ban, ngành thành 1 hệ thống nhất và sử dụng chung cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đối với Nghệ An, Viettel cũng luôn là đơn vị tích cực đồng hành với UBND tỉnh, huyện, các sở, ban, ngành để triển khai các hệ thống ứng dụng CNTT tối ưu và hiệu quả nhất, phù hợp với điều kiện của tỉnh nhà.