Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, hiện Việt Nam đã giải quyết thành công việc xử lý những loại đất bị nhiễm dioxin do chiến tranh hóa học của Mỹ để lại trước đây. Đây là một thành công lớn trong lĩnh vực công nghệ sinh học của Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, dioxin là chất độc làm ảnh hưởng đến con người qua nhiều thế hệ. Những nạn nhân chịu ảnh hưởng của chất độc dioxin tại Việt Nam vô cùng nhiều.
Vừa qua, các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thành công trong việc dùng một chế phẩm sinh học và dùng vi sinh để giải quyết việc nhiễm dioxin tại một số nơi và sau một năm khảo nghiệm thì cho kết quả rất tốt. Hàm lượng dioxin ô nhiễm trong đất giảm dưới mức cho phép; chi phí rẻ, chỉ bằng 5 - 10% chi phí của Hoa Kỳ mà tác dụng của nó lại lâu dài.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng cho biết, vừa qua, Hoa Kỳ đã bỏ ra 70 triệu đô la để xử lý cho vùng bị nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng nhưng kết quả rất hạn chế. Họ xử lý bằng phương pháp cổ điển như phương pháp xử lý nhiệt, chi phí lại rất tốn kém. Với số tiền là 70 triệu đô la nhưng họ chỉ giải quyết được trong phạm vi diện tích đất không lớn tại sân bay Đà Nẵng. Đặc biệt, với phương pháp này Hoa Kỳ vẫn phải dùng đến biện pháp chôn lấp hoặc là xử lý tiếp tục ở công đoạn sau.
“Khác với Hoa Kỳ, phương pháp xử lý bằng công nghệ sinh học của các nhà khoa học Việt Nam có thể triệt tiêu vĩnh viễn, hoàn toàn không còn hậu quả và khả năng cho phép có thể áp dụng trên phạm vi rộng. Đây là vấn đề Hoa Kỳ đang rất quan tâm và muốn có vì họ không chỉ phải giải quyết vấn đề dioxin ở Việt Nam mà họ còn phải giải quyết ngay ở nước Mỹ. Tuy nhiên, phía Việt Nam chưa công bố công nghệ này. Bởi, hiện nay các nhà khoa học Việt Nam vẫn đang tiếp tục phải hoàn thiện, kiểm chứng trên thực tiễn. Mặc dù, công nghệ này đã được triển khai tại sân bay Biên Hòa trong năm 2013 và theo đánh giá là cho kết quả rất tốt”, Bộ trưởng cho biết.
Việc Việt Nam giải quyết thành công việc xử lý những loại đất bị nhiễm dioxin do chiến tranh hóa học của Mỹ có thể hoàn lại được diện tích canh tác cho dân ở những vùng đất bị nhiễm, đồng thời có thể tránh được hậu họa về sức khỏe cho người dân tại các điểm nóng ô nhiễm./.
Theo ĐCSVN