Sáng 30/10, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng xác nhận, ca mắc hội chứng đầu nhỏ do vi rút Zika đầu tiên ở Việt Nam được phát hiện, đó là trường hợp bé gái 4 tháng tuổi ở Đắk Lắk.

Trước đó, ngày 14/10/2016, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế đã ghi nhận 1 trường hợp trẻ 4 tháng tuổi sinh sống tại huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk có triệu chứng dị tật bẩm sinh nghi mắc chứng đầu nhỏ.

Ngay sau khi nhận được thông báo này, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đã làm 5 xét nghiệm các mẫu máu của bà mẹ và bé gái này, kết quả đều dương tính với vi rút Zika. Các mẫu bệnh phẩm của mẹ và bé tiếp tục được gửi đến xét nghiệm tại phòng xét nghiệm của đại học Nagasaki Nhật Bản tiến hành các xét nghiệm vi rút học.

Mẫu huyết thanh của những người sống cùng nhà (bố, bà, cậu và chị nuôi của trẻ), những trường hợp khác sống không cùng nhà có kết quả xét nghiệm âm tính.

“Kết quả xét nghiệm đã khẳng định nhiễm vi rút Zika. Như vậy, đây là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam bị dị tật đầu nhỏ bẩm sinh được xác định có nguyên nhân do vi rút Zika”, ông Phu nói.

Theo điều tra dịch tễ, người mẹ 23 tuổi (trú tại huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) trong quá trình mang thai có bị sốt, nổi ban khi được 3 tháng và khi sinh con ra thấy đầu nhỏ, khác những đứa trẻ bình thường.

 

Bé gái 4 tháng tuổi ở Đắk Lắk là ca mắc hội chứng đầu nhỏ do vi rút Zika đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: VTC

TS Phu cho biết thêm, khi tiếp nhận thông tin ca bệnh và tiến hành điều tra, nhiều nguyên nhân về hội chứng đầu nhỏ của cháu bé này cũng được đặt ra. Do có nhiều nguyên nhân gây dị tật đầu nhỏ ở thai nhi với các vi rút khác nhau như sởi, rubella, nhiễm độc hóa chất…. Tuy nhiên, các nguyên nhân này đã được loại trừ và kết quả xét nghiệm của Nhật Bản đã khẳng định bệnh nhi mắc Zika.

Trong khi đó, tại Việt Nam cũng đã xác nhận sự lưu hành của vi rút Zika. Vì thế, PGS Phu khuyến cáo phụ nữ dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết. Trong trường hợp phải đi đến các vùng có dịch, cần tìm hiểu kỹ các thông tin về dịch bệnh và các điều kiện chăm sóc y tế.

Đặc biệt cần áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt để tránh lây truyền vi rút Zika như sử dụng kem xua muỗi, mặc quần áo dài và ngủ màn kể cả ban ngày, bởi không có muỗi đốt sẽ không lây truyền Zika.

TS Phu cũng trấn an người dân không phải trường hợp thai phụ nào nhiễm Zika cũng gây ra hội chứng đầu nhỏ cho thai nhi. Tỷ lệ bà mẹ mang thai mắc Zika có con mắc hội chứng này rất thấp, 1-10% sinh con mắc dị tật chứng đầu nhỏ.

Trên thế giới, cụ thể ở Brazil, tỉ lệ phụ nữ mang thai mắc Zika có con mắc hội chứng đầu nhỏ cũng chỉ khoảng 10%. Vì thế, việc theo dõi chặt trong 3 tháng đầu để phát hiện nguy cơ là vô cùng quan trọng. Việc phát hiện hội chứng đầu nhỏ không khó vì bằng siêu âm 2 tuần/lần để theo dõi sự phát triển của chu vi vòng đầu, so sánh với bảng phát triển bình thường theo tháng tuổi, nếu bất thường sẽ nhận ra ngay.

Vì thế, để không mắc Zika, hãy phòng muỗi đốt và diệt muỗi. Còn trong thời kỳ mang thai nếu có triệu chứng mắc vi rút Zika (sốt, phát ban, đau khớp, đau cơ, đau mắt đỏ…) cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và tuân thủ lịch tái khám của bác sĩ sản khoa, kịp thời theo dõi diễn biến phát triển của thai nhi.

Theo Bộ Y tế, hiện có 4 cơ sở đủ điều kiện xét nghiệm vi rút Zika cho phụ nữ mang thai: Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư; Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh; Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên.

Theo Dantri

TIN LIÊN QUAN