Hình ảnh về loại tên lửa mới này xuất hiện cùng với đoàn công tác Bộ Quốc phòng kiểm tra sản phẩm nghiên cứu khoa học và công nghệ của Học viện Kỹ thuật Quân sự hồi năm 2017.
Tuy không rõ định danh của loại tên lửa này nhưng quan sát hình ảnh cho thấy, rất có thể đây là loại tên lửa mới do Việt Nam tự sản xuất.
Trước khi xuất hiện loại tên lửa mới này, ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã sản xuất thành công tên lửa hành trình chống hạm KCT 15 dựa trên thiết kế Kh-35 Uran-E của Nga, tên lửa phòng không tầm thấp TL-01 - biến thể Igla.
Như vậy là sau thời gian triển khai Dự án "Chế tạo tên lửa phòng không tầm thấp TL-01" đã gặt hái được những kết quả đáng kinh ngạc và thực sự là bước tiến vượt bậc trong việc từng bước tự chủ nguồn cung vũ khí hiện đại của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Được biết, ngay từ đầu năm 2015, Việt Nam đã nghiên cứu, chế tạo thành công một thành phần điện tử chính của tổ hợp tên lửa Igla kiểu 9P516.
Để chế tạo thành công, nhóm nghiên cứu đã làm chủ công nghệ và chế tạo được 6 bộ khối điện tử đạt tiêu chuẩn kỹ thuật nước ngoài; đã chuyển giao cho các nhà máy trong nước tổng lắp thành cơ cấu phóng.
Các tác giả cũng đã hoàn thành tài liệu thiết kế, tài liệu công nghệ chế tạo khối điện tử phù hợp với điều kiện tay nghề cán bộ kỹ thuật, công nhân Việt Nam.
Trên cơ sở làm chủ công nghệ, các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu cải tiến, nội địa hóa khối điện tử kiểu 9P516.
Kết quả, 2/4 bảng thuộc khối điện tử đã được nội địa hóa hoàn toàn (sản xuất từ vật tư, linh kiện trong nước), qua thử nghiệm tương thích và hoạt động tốt cùng các bảng nguyên mẫu trong cơ cấu phóng; 2 bảng còn lại đang được nghiên cứu theo hướng sử dụng linh kiện trong nước kết hợp với nước ngoài, bước đầu cho kết quả tốt.
Việc nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công khối điện tử kiểu 9P516 có ý nghĩa thực tiễn cao, giúp làm chủ công nghệ, chủ động nguồn linh kiện, vật tư; giảm phụ thuộc vào các chuyên gia nước ngoài, góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo đảm kỹ thuật và khả năng sẵn sàng chiến đấu.