Tồn kho than của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) hiện đã chạm con số 10 triệu tấn, còn lượng than nhập khẩu 4 tháng qua cũng đã đạt 4,7 triệu tấn.
Than nhập gia tăng
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho hay, tháng 4/2016, lượng than nhập khẩu đạt 1,252 triệu tấn với trị giá 77,9 triệu USD. Tổng cộng 4 tháng đầu năm 2016, lượng than nhập khẩu đã đạt con số 4,7 triệu tấn với trị giá 289,4 triệu USD.
Như vậy so với cả năm 2015, lượng than nhập khẩu đạt 6,96 triệu tấn với kim ngạch 548,5 triệu USD thì than nhập khẩu đã có sự gia tăng nhanh chóng về mặt lượng, trong khi giá bình quân lại giảm.
Tại Quảng Ninh, 4 tháng đầu năm, lượng than nhập khẩu đã đạt 1,6 triệu tấn, cao hơn con số 1,4 triệu tấn của cả năm 2015. Theo Cục Hải quan Quảng Ninh, hiện có 18 đơn vị nhập khẩu than qua địa bàn này. Hiện than nhập khẩu có thuế 0%, với sự suy giảm của thị trường năng lượng thế giới, giá dầu xuống thấp kéo theo giá than cũng giảm mạnh, than ngoại đang có lợi thế hơn so với than nội khoảng 5-8 USD/tấn.
Xu hướng nhập khẩu than cũng được xem là tất yếu khi số lượng các nhà máy nhiệt điện than vẫn đang gia tăng. Hiện cả nước có 19 nhà máy nhiệt điện than và sẽ tăng lên 52 nhà máy vào năm 2030 với tổng số lượng than cần nhập khẩu khoảng 85 triệu tấn/năm.
Áp lực tồn kho
Nhiều doanh nghiệp ngành than cho biết, giá các mặt hàng năng lượng như dầu mỏ và than trên thị trường quốc tế không có dấu hiệu tăng mạnh vào những tháng tới sẽ khiến Vinacomin phải đối mặt với nhiều khó khăn. Thậm chí sẽ có nhiều doanh nghiệp ngành khác sẽ chủ động đi mua than ngoại về để cung cấp cho hoạt động của mình.
Theo kế hoạch, năm 2016, Vinacomin sẽ khai thác trên 38 triệu tấn than nguyên khai, trong đó có hơn 35 triệu tấn than sạch. Vinacomin và Tổng công ty Đông Bắc cũng vừa được Chính phủ đồng ý cho xuất khẩu 2,05 triệu tấn than, trong đó riêng Vinacomin là 2 triệu tấn như đề nghị của Bộ Công thương.
Ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc Vinacomin cho hay, trong quá trình sản xuất và sàng tuyển sẽ có những loại than chất lượng cao mà trong nước hiện không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết, nếu đem pha trộn để tạo những chủng loại than chất lượng thấp hơn cho nhu cầu trong nước thì rất lãng phí, không sử dụng hiệu quả tài nguyên than. Trong khi đó, nếu để lâu than sẽ bị phong hóa, giảm chất lượng và giảm giá trị đi rất nhiều. Giá bán than chất lượng cao như than cục 4, 5 và than cám 1, 2, 3 cũng cao hơn gấp đôi than cám 5, cám 6 dùng cho sản xuất điện.
Theo Baodautu