Tàu CSB 8020 vốn là chiếc WHEC 722 Morgenthau lớp Hamilton của Tuần duyên Hoa Kỳ đang trên đường về Việt Nam, dự kiến cuối tháng 12 nó sẽ cập cảng.
» Nhật Bản viện trợ tàu tuần tra cho Nghệ An
Căn cứ theo tấm ảnh chụp gần đây nhất, tàu tuần tra 8020 của Cảnh sát biển Việt Nam chỉ còn lại vũ khí duy nhất là khẩu pháo hạm Oto Breda cỡ 76,2 mm cùng radar điều khiển hỏa lực Mk 92.
Hai trang thiết bị khác là tổ hợp pháo phòng thủ tầm cực gần (CIWS) Phalanx cỡ 20 mm cùng radar trinh sát đường không AN/SPS-40E đã bị tháo bỏ.
Nhưng cần lưu ý rằng những chiếc Hamilton được đóng cho USCG vào giai đoạn cao trào của Chiến tranh lạnh, do vậy thiết kế của nó rất mở, dễ dàng tích hợp thêm tên lửa chống hạm, tên lửa phòng không hay sonar và ngư lôi chống ngầm để phối hợp tác chiến cùng Hải quân Hoa Kỳ.
Đã có ít nhất một con tàu Hamilton được hoán cải với cấu hình vũ khí không thua kém gì khinh hạm 3.000 tấn, đó là chiếc WHEC 717 Mellon với 2 bệ phóng Harpoon bố trí ngay phía trước cabine chỉ huy.
Câu hỏi có lẽ sẽ được đặt ra lúc này là sau khi về Việt Nam, trong điều kiện cần thiết thì chúng ta có đủ khả năng tự hoán cái chiếc CSB 8020 thành tàu hộ vệ tên lửa như cách Mỹ đã từng thực hiện? Để trả lời câu hỏi trên có lẽ nên nhìn lại một dự án tương tự, đó là lắp tên lửa chống hạm P-15 Termit cho khu trục hạm chiến lợi phẩm.
Theo "Lịch sử ngành kỹ thuật Hải quân Nhân dân Việt Nam" thì sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bộ Tư lệnh Hải quân có chủ trương nghiên cứu cải tiến đưa tên lửa P-15 lắp xuống tàu HQ-01 vốn là chiếc khu trục hạm HQ-15 Phạm Ngũ Lão trước 1975.
Năm 1976, "Đơn vị 173" bắt đầu đưa toàn bộ hệ thống chỉ huy, bệ tên lửa xuống tàu, lắp thêm 1 bộ radar SPS-53 của Mỹ trên mặt boong chính để lấy số liệu phần tử bắn. Ngoài ra tàu còn được mở rộng một phòng trên boong trung tâm để đặt thiết bị điều khiển, tăng cường gia cố khung xương và mặt boong tàu...
Cuối năm 1977 thì công việc thi công hoàn chỉnh. Đến ngày 30 Tết âm lịch Mậu Ngọ 1978, Bộ Tư lệnh tổ chức bắn thử nghiệm.
Kết quả sau khi tên lửa được bắn đi, đạn đã trúng mục tiêu. Tư lệnh Giáp Văn Cương đánh giá cao kết quả quá trình nghiên cứu cải tiến tên lửa P-15 đạt hiệu quả tốt và tặng bằng khen cho các đồng chí cán bộ, kỹ sư tham gia thực hiện đề án trên.
Như vậy ngay từ thập niên 1970, Việt Nam đã có khả năng tự nâng cấp tên lửa chống hạm cho tàu pháo. Nay khi đã tự chủ đóng trong nước nhiều chiến hạm hiện đại, đặc biệt là lớp tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya 1241.8 thì Việt Nam đủ khả năng tích hợp vũ khí mới cho tàu tuần tra lớp Hamilton.
Chúng ta có thể lắp 2 cụm 4 ống phóng KT-184 của tên lửa 3M-24 Uran-E ngay phía trước cabine chỉ huy của tàu CSB 8020 tương tự như chiếc WHEC 717 Mellon, bổ sung radar dẫn bắn Garpun-Bal lên đỉnh tháp nơi từng là vị trí của đài AN/SPS-40E.
Giải pháp trên không quá phức tạp nhưng sẽ mang lại sức mạnh vượt trội cho chiếc tàu tuần tra cỡ 3.000 tấn này. Tuy nhiên, đây chỉ là phương án dự phòng mà Việt Nam có thể tính đến và triển khai khi cần thiết.
Theo Baodatviet