Đây là thông tin được các chuyên gia báo cáo tại hội thảo quốc gia cập nhật tiến bộ trong xạ trị ung thư ngày 27/11.
Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, gánh nặng ung thư tại Việt Nam không ngừng gia tăng, mỗi ngày có gần 320 người ra đi vì căn bệnh này.
Bên cạnh những thành tựu, chuyên ngành ung thư của Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trên 70% người bị bệnh ung thư đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị hạn chế và tốn kém.
Trong điều trị, xạ trị là một trong 3 phương pháp kinh điển cùng với phẫu thuật và hóa trị, đóng góp 50% thành công điều trị ung thư. Tại Việt Nam, có gần 60% bệnh nhân ung thư phải sử dụng phương pháp này.
Xạ trị có thể áp dụng cho mọi giai đoạn bệnh, ngoài triệt căn còn phối hợp thu nhỏ khối u trước mổ, giảm đau cho bệnh nhân giai đoạn cuối.
Trao đổi bên lề hội thảo, PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, hiện bệnh viện đang có 8 máy xạ trị, trong đó có máy xạ trị gia tốc, xạ trị theo nhịp thở, Gamma knife là một trong những thế hệ máy xạ trị hiện đại nhất khu vực và ngang với thế giới giúp điều trị hiệu quả hơn và ít biến chứng hơn.
Trước đây xạ 2D ung thư đầu cổ có thể gây bít hàm, khô miệng, xơ cứng hàm nhưng với kĩ thuật xạ hiện đại đã giảm đi rất nhiều tác dụng phụ.
Với kĩ thuật xạ cũ, khi bệnh nhân thở khối u sẽ chệch theo nhịp thở trong khi tia xạ vẫn chiếu thẳng nên ít hiệu quả, giờ xạ theo nhịp thở khắc phục được hạn chế này.
Dù vậy, PGS Quảng thừa nhận, với số lượng máy xạ trị hiện tại vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu điều trị, tình trạng bệnh nhân phải xạ đêm dù có giảm so với trước nhưng vẫn còn, nhiều ca xạ đến 22h. Do vậy, trong thời gian tới, bệnh viện sẽ phải mua thêm máy mới, đặc biệt là xạ trị hạt nặng, hạt proton.
PGS.TS Ngô Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm xạ trị Quốc gia, Trưởng khoa Xạ 1, Bệnh viện K cho hay, trung bình mỗi ngày có khoảng 800-900 bệnh nhân phải xạ trị nên có nhiều thời điểm máy xạ hoạt động 24/24h.
“Theo khuyến cáo, phải có đủ 1 máy gia tốc/1 triệu dân. Chúng ta đã đầu tư nhưng rõ ràng vẫn chưa đủ. Cũng theo khuyến cáo, mỗi máy chỉ xạ trị 40-60 bệnh nhân nhưng máy tại bệnh viện liên tục chạy đến 200 người/ngày”, PGS Tùng chia sẻ.
Với ung thư vòm họng, 20 năm trước, tỉ lệ sống thêm 5 năm chỉ đạt 33% nhưng nay đã tăng lên 65%; Ung thư phổi trung bình những năm trước chỉ sống thêm 1 năm, giờ đã lên 2 năm; ung thư não ác tính,những năm trước chỉ sống thêm 4-8 tháng, giờ trung bình là 2 năm…
Điển hình như trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị Hương, từng điều trị ung thư vú suốt 6 năm, sau đó có thai nên phải dừng điều trị khiến chị rơi vào trạng thái hôn mê, nguy kịch do khối u di căn lên não, chèn ép. May mắn được xạ phẫu kịp thời, sau 3 lần, kích cỡ khối u não đã giảm 50%, sức khỏe ổn định.