Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017-2018 do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố chứng kiến bước nhảy vọt của hai quốc gia Đông Nam Á là Việt Nam và Indonesia.

Người dân đếm tiền tại một chi nhánh ngân hàng ở Hà Nội.  Ảnh: Reuters

Tạp chí Nikkei Asian Review nhận xét châu Á là một bức tranh hỗn hợp trong báo cáo năng lực cạnh tranh (The Global Competitiveness Report 2017-2018) vừa được WEF công bố hôm nay (27/9).

Trong khi Indonesia, Việt Nam và một số nước khác tăng hạng, hai nền kinh tế lớn là Nhật Bản và Ấn Độ lại thụt lùi.

Cụ thể, Indonesia xếp hạng 36/137 quốc gia nhờ đạt được sự cải thiện ở 10/12 tiêu chí đánh giá chính, trong đó có sức khỏe, giáo dục và hạ tầng.

Trong khi đó, Việt Nam nhảy lên hạng 55, tăng 5 bậc so với năm ngoái và 20 bậc so với cách đây 5 năm.

Việt Nam được đánh giá có những cải thiện đáng chú ý trong mức độ sẵn sàng về công nghệ, tính hiệu quả của thị trường lao động. Ngoài ra, giao thương là một yếu tố lớn khác giúp Việt Nam tiến lên phía trước.

Báo cáo của WEF đánh giá việc Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể khiến Việt Nam mất đi một số cơ hội giao thương, tuy nhiên tăng trưởng của Việt Nam "vẫn ổn định" nhờ xuất khẩu mạnh.

Một số quốc gia châu Á khác có năng lực cạnh tranh cải thiện còn bao gồm: Malaysia hạng 23; Thái Lan hạng 32; Trung Quốc hạng 27; Philippines hạng 56... Các nước này đều tăng từ 1-2 bậc.

Singapore tuy không thể chiếm ngôi vô địch nhưng cũng xếp thứ 3; Thụy Sĩ xếp hạng 1, Mỹ xếp hạng 2...

Nhật Bản, tuy nhiên, lại thụt lùi năm thứ 2 liên tiếp, hiện đang xếp thứ 9. Nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới thể hiện tốt ở các tiêu chí hạ tầng, sức khỏe và giáo dục, nhưng lại chật vật ở môi trường kinh tế vĩ mô do nợ công quá lớn.

Ấn Độ năm nay giảm 1 bậc sau khi thăng hạng liên tục trong hai năm trước, xếp thứ 40.

Theo Tuổi trẻ

TIN LIÊN QUAN