Từ hôm nay (11/12), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các Nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 11.

Nhận lời mời của Chủ tịch Liên minh Nghị viên Thế giới (IPU) Saber Chowdhury, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Liên bang Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất, bắt đầu từ hôm nay (11/12), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các Nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 11 tại Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất.

Với chủ đề “Đoàn kết cùng định hình tương lại”, khoảng 50 nữ Chủ tịch Quốc hội trên thế giới sẽ cùng hội tụ để cùng nhau bàn luận về vai trò của nghị viên, sự tham gia của các nữ Chủ tịch Quốc hội trong việc giải quyết các thách thức vì tiến bộ xã hội và thịnh vượng bền vững.

Được thành lập năm 1889 tại Paris, Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) là tổ chức quốc tế tập hợp Nghị viện các Quốc gia có chủ quyền. Với 171 thành viên, 10 thành viên liên kết và đang tiếp tục mở rộng, IPU là trung tâm hoạt động ngoại giao Nghị viện khắp thế giới vì hòa bình, hợp tác giữa các dân tộc.

image_5240134.jpgChủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

IPU tập trung vào 6 lĩnh vực hoạt động chính gồm: tăng cường nền dân chủ đại diện; thúc đẩy hòa bình và an ninh toàn cầu; đẩy mạnh phát triển bền vững; thúc đẩy pháp luật về nhân đạo và bảo vệ nhân quyền; nâng cao vai trò phụ nữ trong chính trị; tăng cường đối thoại giao lưu về giáo dục, khoa học và văn hóa.

Việc tham dự các hoạt động của IPU là nhiệm vụ quan trọng hành đầu trong các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương của Quốc hội nhằm thúc đẩy và bảo vệ các lợi ích của Việt Nam. Đồng thời tham khảo quan điểm quốc tế và thể hiện quan điểm quốc gia về các mối quan tâm chung trên toàn cầu.

Nằm trong các hoạt động của IPU, Hội nghị Nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới là cơ chế gặp mặt các nữ Chủ tịch được tổ chức lần đầu tiên nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 2 các Chủ tịch Quốc hội vào năm 2005 tại New York, Hoa Kỳ.

Kể từ đó, hàng năm Hội nghị các Nữ Chủ tịch Quốc hội được tổ chức nhằm mục đích thúc đẩy bình đẳng giới, tăng cường vai trò, sự tham gia của nữ giới vào các hoạt động chính trị, góp phần giải quyết các vấn đề đối với trẻ em gái và phụ nữ như bảo vệ và trao quyền cho trẻ em gái, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

Hội nghị lần này dự kiến sẽ có 50 nữ Chủ tịch Quốc hội trên thế giới tham gia. Với chủ đề “Đoàn kết để định hình tương lai”, đây sẽ là cơ hội để các nữ Chủ tịch Quốc hội huy động sức mạnh đoàn kết, nỗ lực cùng chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời thiết lập, mở rộng mạng lưới hợp tác quốc tế. Thảo luận về những giải pháp đối với vấn đề bất bình đẳng giới, bất bình đẳng về kinh tế, hướng tới đoàn kết thúc đẩy hòa bình, an ninh và phát triển bền vững toàn cầu.

Với rất nhiều các phiên thảo luận, nhưng sẽ có ít nhất 4 phiên thảo luận liên quan đến sự đoàn kết như: Đoàn kết thúc đẩy hòa bình và an ninh; đoàn kết bảo đảm thịnh vượng cho các thế hệ trong tương lai; đoàn kết bảo vệ một hành tinh lành mạnh; đoàn kết hướng tới một xã hội toàn diện hơn…

Tại Việt Nam, là quốc gia thành viên Liên hợp quốc, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm thực hiện nam nữ bình quyền và bình đẳng giới, coi đó là nền tảng pháp lý và thực tiễn quan trọng để Việt Nam tham gia tích cực các hội nghị quốc tế về phụ nữ.

Các quy định pháp luật, chính sách bảo đảm bình đẳng giới và sự phát triển, tiến bộ của phụ nữ được ban hành và thực thi trong những năm qua đã góp phần thúc đẩy sự tham gia, đóng góp của phụ nữ ngày càng nhiều.

Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam đã và đang thúc đẩy quá trình cân bằng giá trị bình đẳng giới thực chất và được bạn bè quốc tế đánh giá cao trong nhiều thập kỷ qua.

Đoàn Đại biểu Quốc hội nước ta do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu tham dự Hội nghị lần này tiếp tục thể hiện chính sách tích cực, chủ động hội nhập quốc tế; phát huy vai trò và vị thế của Việt Nam và Quốc hội Việt Nam trên các diễn đàn nghị viện khu vực và thế giới, đồng thời khẳng định chính sách bình đẳng giới của Đảng và Nhà nước ta./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN