Việc xây dựng chính sách quản lý nhà nước về thông tin trên Internet là nội dung được đưa vào nghị quyết Quốc hội và đã được biểu quyết thông qua.

Ngày 4/12, tại trụ sở Bộ TT&TT đã diễn ra cuộc họp Giao ban QLNN tháng 11. Trong cuộc họp, đã có nhiều báo cáo quan trọng về tình hình Internet tại Việt Nam.

Quảng cáo xuất hiện trên các nội dung xấu độc

Theo Cục PTTH&TTĐT (Bộ TT&TT), khoảng một tuần nay, rộ lên thông tin các thương hiệu quảng cáo quan ngại việc quảng cáo của mình xuất hiện cạnh các nội dung xấu độc. Đặc biệt đối với các nội dung liên quan đến trẻ em.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phản ánh quảng cáo của họ lại xuất hiện trên những clip nói xấu Đảng và Nhà nước. Tình trạng các trang thông tin giả cũng xuất hiện ngày một nhiều hơn trên Facebook. Để giải quyết vấn đề này, các cơ quan trực thuộc Bộ đang xây dựng đề án để có thể chặn lọc một cách triệt để các thông tin xấu độc có nguồn gốc máy chủ từ nước ngoài.

Hiện nay xuất hiện tình trạng một số tờ báo kết hợp với mạng xã hội để “đánh đấm” các doanh nghiệp và thương hiệu. Cục PTTH&TTĐT cho biết nếu xử lý hết thì nhiều nhà báo rơi vào diện vi phạm kỷ luật.

Xây dựng chính sách nhà nước về quản lý thông tin trên Internet

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ phải tăng cường công tác quản lý nhà nước trong khoảng thời gian từ nay cho đến tết nguyên đán.

“Cục PTTH&TTĐT cần nghiên cứu biện pháp quản lý thẻ cào điện thoại, thẻ game trong thanh toán điện tử, trò chơi điện tử trực tuyến. Bên cạnh đó, cần tăng cường theo dõi, kiểm tra giám sát hoạt động cung cấp sử dụng thông tin trên mạng. Chống thông tin xấu độc, đặc biệt là thông tin kích động bạo lực, gây hận thù dân tộc, thông tin xúc phạm danh dự nhân phẩm, xâm phạm đời tư, thông tin không lành mạnh liên quan đến trẻ em... ”

image_6713291.jpgBộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị giao ban QLNN tháng 11. Ảnh: Trọng Đạt

“Cần tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp lớn cung cấp dịch vụ xuyên biên giới để đề ra các giải pháp xử lý tình trạng đưa thông tin sai sự thật, gây phương hại đến an ninh quốc gia và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh đó, làm rõ việc các phóng viên báo chí có những bài viết phát ngôn mang tính chất kích động, thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội.”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chỉ đạo.  

Với công tác của tháng 12, Bộ trưởng yêu cầu sớm hoàn thiện các quy định về quản lý hoạt động thông tin trên mạng, đặc biệt là các dịch vụ xuyên biên giới, đảm bảo môi trường pháp lý bình đẳng và minh bạch.

Bên cạnh đó, cần ưu tiên phát triển hệ sinh thái nội dung số trong nước. Có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước xây dựng những hệ sinh thái nền tảng như mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, thương mại điện tử.

Một trong những vấn đề được đặt ra là cần xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam. Điều này nhằm hướng tới việc xây dựng môi trường mạng xã hội lành mạnh, an toàn. Đây là yêu cầu được đặt ra bởi nghị quyết Quốc hội.

Tuy nhiên Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh rằng, sau khi xây dựng bộ quy tắc này, cần xin ý kiến rộng rãi người dân qua báo chí và mạng xã hội.

Ngoài ra, Bộ TT&TT sẽ xây dựng bộ công cụ thu thập, phân tích và quản lý thông tin mạng, thông tin vi phạm, công cụ phân tích, xếp hạng, đánh giá web theo lượng truy cập để làm cơ sở xây dựng các chính sách quản lý nhà nước về thông tin trên Internet.

Theo VNN

TIN LIÊN QUAN