Việt Nam sẽ thừa khoảng 70.100 sinh viên sư phạm khiến chúng ta cần tìm lời giải cho sự đầu tư hiệu quả vào nghề được coi là cao quý nhất.

Đến năm 2020, dự kiến Việt Nam sẽ thừa khoảng 70.100 sinh viên sư phạm tốt nghiệp (41.000 giáo viên đối với cấp Tiểu học, 12.200 đối với cấp THCS và 16.900 đối với THPT). Điều này có nghĩa là họ sẽ khó có cơ hội làm nghề dạy học.

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo khoa học Quốc gia đào tạo giáo viên tại các trường đại học đa ngành, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Gần 20 năm trước, các trường học trên cả nước thiếu trầm trọng số lượng và chất lượng giáo viên. Có những mùa tuyển sinh giáo viên trình độ Tiểu học sư  phạm,  TP HCM đã phải lấy điểm trúng tuyển 6,5/20 cho thí sinh khu vực nội thành và 3,5/20 cho thí sinh ngoại thành, chỉ có chưa tới 20% số bài thi đạt tổng điểm 10/20.

Đứng trước cơn khủng hoảng đó, thực hiện “Chương trình quốc gia xây dựng đội ngũ giáo viên và các trường sư phạm 1995 - 2000”, Bộ GD-ĐT đã ra quyết định miễn học phí cho sinh viên theo học ngành Sư phạm.

Năm 1996-1997 được coi là thời kỳ “hoàng kim” của ngành sư phạm, khi Bộ GD-ĐT đưa ra quy chế miễn học phí cho học sinh đăng ký vào ngành này. Sự khuyến khích đó đã khiến cho rất nhiều học sinh khá, giỏi “đầu quân” vào các trường sư phạm mỗi khi đến kỳ thi ĐH, CĐ.

images1553652_cu_nhan_ruaf.jpgSinh viên trường sư phạm (ảnh minh họa)

Sự cạnh tranh để được vào ngành sư phạm đã lên đến cao trào khi có năm, thí sinh để vào được khoa Toán của ĐH Sư phạm Hà Nội phải đạt 27, 28 điểm cho 3 môn thi.

Tuy nhiên, những năm gần đây, điểm chuẩn vào ngành sư phạm không được cao như vậy và đang có xu hướng giảm dần. Cơ chế tuyển dụng và đãi ngộ vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế đã khiến cho nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi không chọn nghề dạy học.

Trong khi đó, nhiều địa phương còn chưa đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo sinh viên sư phạm đáp ứng nhu cầu của xã hội, dự báo về cung-cầu nguồn nhân lực không “gặp nhau” cũng là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mỗi năm có hàng chục nghìn sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm thất nghiệp hoặc chuyển sang làm các công việc khác.

Thực tế nguồn kinh phí dành để thực hiện chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm không nhỏ. Hiện tại, ngoài một số trường đa ngành có đào tạo sư phạm, cả nước có 13 trường ĐH sư phạm, 1 trường ĐH giáo dục và 33 trường CĐ sư phạm.

Dù những năm gần đây, Bộ GD-ĐT thừa nhận tình trạng dư thừa giáo viên, đặt ra quy định giảm dần chỉ tiêu đào tạo sư phạm, nhưng thực tế mức kinh phí từ ngân sách dùng để cấp bù học phí cho trường sư phạm vẫn tăng đều đặn hằng năm.

Theo báo cáo từ các hội nghị kế hoạch ngân sách của Bộ GD-ĐT, năm 2011, trong hơn 4.000 tỷ đồng ngân sách chi cho giáo dục thì riêng dự toán chi bù học phí cho các trường sư phạm trực thuộc Bộ GD-ĐT theo khung học phí quy định tại nghị định 49 là gần 250 tỷ đồng.

Đến năm 2012, tổng mức chi bù học phí thực tế từ nguồn ngân sách cho các trường sư phạm trực thuộc Bộ GD-ĐT đã nâng lên con số hơn 354 tỷ đồng. Đến năm 2013, dự toán của Bộ GD-ĐT về mức chi ngân sách bù học phí sinh viên sư phạm các trường ĐH, CĐ và cấp bù miễn giảm học phí tăng lên hơn 440 tỷ đồng và năm 2014 dự toán ngân sách phân bổ cho nhiệm vụ này lại tăng lên hơn 484 tỷ đồng.

Thay đổi sự đầu tư của Nhà nước đối với ngành sư phạm?

Con số dự kiến đến năm 2020, Việt Nam sẽ thừa khoảng 70.100 sinh viên sư phạm khiến chúng ta không khỏi băn khoăn về sự lãng phí ngân sách của Nhà nước đối với việc miễn giảm học phí đối với sinh viên học ngành này.

Ông Nguyễn Văn Tuyến, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội II cho rằng, những năm 1996-1997, Chính phủ cho miễn học phí đối với sinh viên trường sư phạm đã thu hút một lượng lớn học sinh giỏi thi tuyển. Lứa sinh viên tốt nghiệp ở khóa học này đều có trình độ và kỹ năng tốt.

Tuy nhiên, hiện nay, đời sống của người dân ngày một phát triển hơn, việc lo cho con có được vài trăm nghìn đóng tiền học là hoàn toàn có thể làm được.

Đến thời điểm hiện nay, việc miễn học phí không còn là động lực lớn để thu hút sinh viên vào các trường sư phạm nữa mà cần có giải pháp “mạnh hơn” như: sinh viên học sư phạm được miễn học phí, cấp học bổng, được ở trọ miễn phí và khi tốt nghiệp được phân bổ công việc ngay giống như sinh viên các trường công an và quân đội.

Trong khi đó, GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên cán bộ nghiên cứu cao cấp Viện Nghiên cứu sư phạm (ĐH Sư phạm Hà Nội) nêu quan điểm, đất nước muốn đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao thì phải có những thầy cô giáo giỏi. Vì vậy, chúng ta vẫn phải có chính sách thu hút học sinh giỏi “đầu quân” vào các trường sư phạm.

Còn như hiện nay, việc cào bằng đầu tư miễn học phí cho tất cả sinh viên sẽ không hút được người giỏi, cũng không tạo động lực nâng chất lượng đào tạo của các trường sư phạm.

Vì vậy, tổng mức đầu tư ngân sách dành cho mỗi trường sư phạm không giảm mà nên tính toán tăng suất đầu tư trên từng sinh viên hơn là kinh phí đó nên đầu tư dàn trải.

“Giả sử hiện ngân sách dành cho Trường ĐH Sư phạm Hà Nội mỗi năm là 100 tỷ đồng cho 2.000 chỉ tiêu sinh viên ĐH chính quy thì nên tính toán tăng suất đầu tư trên từng sinh viên. Như vậy, tổng mức đầu tư không giảm nhưng kinh phí đó chỉ dành cho 1.000 chỉ tiêu” - ông Đinh Quang Báo chia sẻ.

Đó cũng là giải pháp vừa giúp nâng chất lượng đào tạo, thu hút sinh viên giỏi, vừa làm giảm chỉ tiêu một cách thực chất. Bởi lẽ, dù Bộ GD-ĐT có chủ trương giảm chỉ tiêu đào tạo sư phạm do dư thừa giáo viên, nhưng một số trường vẫn cưỡng lại xu thế này vì kinh phí vẫn được rót trên đầu sinh viên./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN