The Economist (Anh) nhận định, sự thành công mang tính tích lũy của Việt Nam sẽ giúp quốc gia này vươn lên trở thành “con hổ” tiếp theo ở châu Á.
Theo tờ The Economist, các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia có thể giàu hơn nhưng vẫn không thể so sánh với nguồn nhân lực dồi dào của Việt Nam vào thời điểm này.
Quốc gia châu Á nào đã cất lên tiếng gầm vang dội trong hơn 1/4 thế kỷ qua với hàng triệu người dân thoát khỏi cảnh nghèo đói? Và nền kinh tế nào tại châu Á sẽ là nguồn năng lượng tiếp theo của khu vực này mặc dù phần lớn người dân vẫn gắn với nghề nông?
Tăng trưởng ấn tượng
Chắc hẳn hầu hết các câu trả lời cho sẽ lần lượt là Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, đáp án thực sự đã bị bỏ qua. Câu trả lời cho các câu hỏi trên nên chú ý đến một quốc gia đang từng bước vượt lên những thành công trong quá khứ và hướng tới một tương lai đầy hứa hẹn, đó chính là Việt Nam.
Với dân số hơn 90 triệu dân, Việt Nam đã vươn mình để trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng trên đầu người trung bình hàng năm đạt 6% kể từ năm 1990 - cao thứ 2 thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc.
Nếu nền kinh tế này duy trì được tốc độ tăng trưởng 7% trong vòng 10 năm tới, Việt Nam sẽ đi theo đúng con đường của những “con hổ” châu Á ngày trước như Hàn Quốc hay Đài Loan (Trung Quốc). Đó quả là một thành tích đáng nể đối với một cuộc gia mà vào những năm 1980 vẫn còn vật lộn với thời kỳ hậu chiến tranh và nền kinh tế nghèo nàn như Ethiopia.
Với kịch bản tăng trưởng 4%, thì kinh tế Việt Nam sẽ đi cùng quỹ đạo với Thailand và Brazil.
The Economist nhận định, Việt Nam có vị trí địa lý vô cùng thuận lợi, tiếp giáp với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc, đặc biệt là “trái tim” chế xuất của quốc gia này ở phía nam.
Có được lợi thế cạnh tranh lớn về nguồn nhân lực, Việt Nam đang thu hút các doanh nghiệp sản xuất, chế tạo và dần trở thành trung tâm sản xuất với chi phí thấp và kết nối với chuỗi cung ứng từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, không giống như Trung Quốc và Ấn Độ, Việt Nam thiếu những lợi thế để trở thành một nền kinh tế mang tầm cỡ châu lục. Bởi vậy, những bài học phát triển của Việt Nam phù hợp với những quốc gia đang phát triển khác, đặc biệt là các nước lân cận như Lào và Campuchia.
Việt Nam là một ví dụ điển hình về việc phát triển công nghệ. Việt Nam đã chứng minh sự thành công trong mô hình phát triển thử nghiệm về sản xuất dựa trên lao động giá rẻ mặc dù hiện nay tốc độ lan tỏa tự động hóa tại các nhà máy đang dấy lên lo ngại về việc lợi thế nhân công giá rẻ không còn hấp dẫn các ngành sản xuất nữa.
Chìa khóa thành công
Việc mở cửa đối với kinh tế toàn cầu đã giúp Việt Nam gặt hái được nhiều thành công. Việt Nam may mắn có thể thay thế Trung Quốc trở thành điểm đến của các doanh nghiệp quốc tế cần một môi trường sản xuất giá rẻ. Một số quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, dù cũng có những lợi thế tương tự, vẫn chưa làm được như Việt Nam.
Việt Nam đã đơn giản hóa đáng kể các quy định thương mại kể từ những năm 90 của thế kỷ trước. Tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam tương đương khoảng 150% GDP – cao nhất trong tất cả các quốc gia có cùng mức thu nhập.
Chính phủ Việt Nam cũng đã ra lệnh cấm các quan chức không được ép buộc người nước ngoài phải mua đầu vào sản xuất trong nước, trái ngược với các quy định hàm lượng nội địa của Indonesia. Các doanh nghiệp nước ngoài đã đổ xô đến Việt Nam và đóng góp tới 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu.
Bên cạnh tính cởi mở, một yếu tố quyết định tới thành công của Việt Nam là tính linh hoạt. Chính phủ Việt Nam đã khuyến khích sự cạnh tranh giữa các tỉnh thành trên cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh đang từng bước trở thành khu công nghiệp lớn nhất Việt Nam, Đà Nẵng đang trở một thành phố công nghệ, còn các tỉnh phía Bắc đang trở thành điểm đến của các nhà sản xuất khi họ rời khỏi Trung Quốc. Kết quả là Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế đa dạng có thể đương đầu được với những cú sốc kinh tế, điểm hình như việc bong bóng bất động sản nổ ra năm 2011.
Đầu tư cho tương lai
Việt Nam đã nhìn ra được con đường phát triển mình phải đi vào thời điểm này, và coi giáo dục là trọng tâm đầu tư trong thời gian tới. Trẻ em 15 tuổi ở Việt Nam có thể làm toán và học các môn khoa học tốt như những học sinh tại Đức. So với các quốc gia có trình độ phát triển tương đương, Việt Nam là nước “chịu chi” nhất để đầu tư cho các trường học, tập trung vào 2 vấn đề cơ bản: tăng cường tuyển sinh và đào tạo giáo viên.
Việc đầu tư vào giáo dục là chìa khóa then chốt để mở ra hầu hết các cơ hội thương mại. Các nhà máy có thể sẽ tự động hóa nhiều hơn nhưng máy móc thì vẫn phải cần người vận hành - những người lao động có học thức, biết tính toán và có khả năng xử lý những mệnh lệnh phức tạp. Việt Nam đang tìm cách đáp ứng nhu cầu này./.
Theo VOV/ The Economist