Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật hàng không (AESC) và Eagle Flight Training - Trường bay nổi tiếng của New Zealand đang tích cực xúc tiến đầu tư một trường bay mới trị giá cả chục triệu USD tại Chu Lai.

Hàng không Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt phi công.

Phi công Việt lần đầu được huấn luyện bay dân sự trong nước

Liên doanh 2 nhà đầu tư AESC và Trường Hàng không New Zealand vừa đề xuất đầu tư 223 tỷ đồng (tương đương 10 triệu USD) xây dựng Trường hàng không New Zealand - Eagle Flight Training Việt Nam. Ông Trần Hải Đăng, Giám đốc AESC cho biết, dự án sẽ hoàn tất phần xây dựng các khu đào tạo và khu vực khác chỉ trong 18 tháng sau ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Việc lắp đặt trang thiết bị sẵn sàng đưa vào sử dụng 6 tháng sau đó để có thể chính thức đi vào hoạt động sau 30 tháng, kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

"Cục Hàng không VN đã tính toán và bổ sung vị trí, quy mô trung tâm đào tạo huấn luyện phi công cơ bản tại CHK Chu Lai trên phần diện tích đất khoảng 0,5ha, đảm bảo sự phát triển dài hạn cho trung tâm trong giai đoạn đến năm 2030”.

Ông Lại Xuân Thanh
Cục trưởng Cục Hàng không VN

Cũng theo ông Đăng, Việt Nam hiện đang thiếu hoàn toàn nguồn nhân sự cho công tác huấn luyện bay, sát hạch bay từ mức độ cơ bản đến nâng cao trong các hoạt động hàng không chung. Các học viên phi công Việt Nam đều phải học huấn luyện bay tại nước ngoài với những khoản chi phí lớn từ 120 - 150 nghìn USD.

Bên cạnh đó, ngành Hàng không Việt Nam còn đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt phi công rất lớn. Căn cứ theo kế hoạch phát triển đội tàu bay của các hãng hàng không, theo Cục Hàng không VN, đến năm 2020, cả nước cần khoảng 2.680 phi công thương mại. Điều này cũng có nghĩa là cần bổ sung khoảng 1.320 người (đã tính cả bù đắp cho số giảm cơ học như sức khỏe, nghỉ hưu…). Mỗi năm, cả ba hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific cần khoảng 200-250 người. Đối với lực lượng nhân viên sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay, dự kiến, mỗi năm sẽ cần đào tạo ban đầu để bổ sung lực lượng kỹ thuật tàu bay bao gồm cả kỹ sư máy bay và thợ kỹ thuật máy bay khoảng 150 - 200 người.

“Những yêu cầu về sức khỏe, trí tuệ, trình độ với một phi công rất khắt khe, thời gian đào tạo kéo dài nên lực lượng phi công hành nghề ở Việt Nam đang rất ít”, ông Đăng nói và khẳng định, việc thành lập trường đào tạo bay tại Việt Nam với mục tiêu đào tạo 300 học viên/năm và chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn của New Zealand sẽ giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt phi công tại Việt Nam, đào tạo những phi công có trình độ và kỹ năng tốt nhất, thành thạo cả lý thuyết và thực hành bay, đồng thời giúp giảm chi phí đào tạo phi công…

Cập nhật quy hoạch tại Chu Lai

Trao đổi với Báo Giao thông, Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh cho biết, hiện Việt Nam có 4 cơ sở được cấp phép thực hiện hoạt động đào tạo phi công hàng không dân dụng là: Trung tâm Huấn luyện bay thuộc TCT Hàng không VN, Trung tâm Đào tạo Bay Việt thuộc Công ty CP Bay Việt, TCT Trực thăng VN và Trung tâm Đào tạo phi công tại TP Cam Ranh, Khánh Hòa. Tuy nhiên, các cơ sở này hiện mới chỉ thực hiện phần huấn luyện lý thuyết bay, chưa có các hoạt động huấn luyện bay dân sự trong nước.

Cho rằng, việc thành lập trường bay tại Chu Lai là cần thiết, ông Thanh cho biết Cục Hàng không VN đã rà soát, nghiên cứu, đánh giá và đưa vào nội dung quy hoạch phát triển GTVT ngành hàng không. Cục cũng đã cập nhật quy hoạch trung tâm huấn luyện phi công tại CHK Chu Lai, bổ sung quy hoạch trung tâm huấn luyện phi công tại CHK Đồng Hới, Phú Bài, là những cảng có đủ quỹ đất để phát triển, có điều kiện tĩnh không tốt phù hợp với hoạt động huấn luyện bay dân dụng và có hoạt động bay quân sự hạn chế.

“Chúng tôi đã làm việc với các đơn vị liên quan để lấy ý kiến về việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết một số hạng mục công trình tại CHK Chu Lai. Trên cơ sở đó, Cục đang phối hợp với Công ty Thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không ADCC khẩn trương hoàn thiện hồ sơ quy hoạch”, ông Thanh nói.

Cũng theo ông Thanh, Cục Hàng không VN đã đề nghị bỏ quy hoạch Trung tâm Huấn luyện phi công cơ bản tại CHK quốc tế Cam Ranh. “Cơ sở hạ tầng hiện hữu của Trung tâm Huấn luyện phi công cơ bản tại Cam Ranh không đảm bảo. Đặc biệt, mật độ bay tại CHK quốc tế Cam Ranh ngày càng phức tạp với nhiều đơn vị gồm: Hàng không dân dụng, huấn luyện quân sự, cảnh sát biển, không quân, hải quân… Do đó, không phù hợp với việc bổ sung hoạt động bay huấn luyện phi công cơ bản tại Cam Ranh”, ông Thanh lý giải.

Theo Baogiaothong

TIN LIÊN QUAN