Ngay sau phiên họp toàn thể Hội nghị Ổn định tài chính Đông Á, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tổ chức họp báo công bố Kết quả hội nghị và cho biết, Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung, trong đó có một số đề xuất của Việt Nam trong lĩnh vực tài chính, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.Phát biểu tại buổi họp báo, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức hội nghị ổn định tài chính khu vực Đông Á, thu hút số lượng đại biểu đông hơn dự kiến, với hơn 400 đại biểu tham dự. Hội nghị đã đánh giá bức tranh toàn diện về cải cách tài chính cũng như vấn đề cần lưu tâm thời gian tới. Đồng thời, Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung, trong đó có đề xuất của Việt Nam, nêu bật vai trò của Việt Nam trong công tác đối ngoại về lĩnh vực tài chính. 

Việt Nam học hỏi được nhiều qua Hội nghị ổn định tài chính Đông Á ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị Ổn định tài chính

khu vực Đông Á

Trả lời câu hỏi của phóng viên về kinh nghiệm thu được từ Hội nghị này trong việc cải cách hệ thống tài chính, xử lý nợ xấu…, ông Vũ Viết Ngoạn cho biết: Từ kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, EU trong việc xử lý hậu quả khủng hoảng và nợ xấu, có thể rút ra bài học cho cải cách hệ thống tài chính tại Việt Nam. Đó là, phải tiến hành cải cải cách đồng bộ 3 lĩnh vực: quy chế an toàn tài chính; thay đổi chính sách vĩ mô, tài khóa và chính sách khác. Ngay khi thị trường bùng nổ quá nhiều nhà đầu tư gây nên nguy cơ đổ vỡ, cần phân tích, dự báo xu hướng thị trường đến mức độ nào là hợp lý, tránh tình trạng xuất hiện bong bóng trên thị trường tín dụng, bất động sản. Ông Vũ Viết Ngoạn nói: “Chúng ta học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Sau khủng hoảng 1990, rút ra 1 điều là Ngân hàng trung ương cần có độc lập cao hơn trong hoạch định chính sách tiền tệ, cần có cơ quan giám sát độc lập phát hiện sớm rủi ro để ngăn ngừa, nên cho ra đời cơ quan giám sát, tách khỏi Bộ Tài chính. Hàn Quốc và Trung Quốc cũng tương tự như vậy. Vấn để xử lý nợ xấu càng nhanh càng tốt, để càng lâu chi phí càng đắt”. Liên quan đến vấn đề ngân hàng ngầm, đây là một khái niệm mới mẻ đối với Việt Nam, khi các định chế tài chính phi ngân hàng thực hiện nhưng chưa có trong quy chế ngân hàng. Nhiều định chế tài chính phi ngân hàng cung cấp dịch vụ cho vay nhưng dưới hình thức sản phẩm phát sinh, thực hiện trên thị trường phi chính thức. Tại Việt Nam, đây cũng là loại hình rủi ro chéo, ảnh hưởng lớn đến hệ thống ngân hàng.  Đây là một trong 5 nội dung cơ bản cải cách tài chính toàn cầu, coi đó là loại hình rủi ro cần có chính sách xử lý sớm nhất.

Theo (VOV) -H.V