Sáng 14/11, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cùng nhau ký kết hợp đồng "Nghiên cứu thiết kế và chế tạo mẫu tên lửa nghiên cứu (Souding Rocket) đưa thiết bị khoa học để thử nghiệm thu thập dữ liệu khí quyển tầng cao".
Được biết đây là đề tài thuộc Chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện trong 24 tháng, bắt đầu từ năm 2018.
Tên lửa được nghiên cứu, chế tạo thông qua đề tài nhánh bởi Học viện Quân sự, Bộ Quốc phòng dựa trên nguyên lý của tên lửa chiến đấu, áp dụng vào phát triển kinh tế, điều đó có nghĩa là nó dựa trên nguyên mẫu tên lửa đạn đạo mang theo đầu đạn.
Đại tá Đặng Ngọc Thanh, Chủ nhiệm Khoa hàng không, Học viện kỹ thuật Quân sự, Chủ nhiệm đề tài cho biết, tên lửa được thiết kế là vật mang thiết bị khoa học làm nhiệm vụ trên tầng khí quyển.
Tên lửa có thể bay không thấp hơn 40 km, được thiết kế hai tầng, có thể thực hiện tách tầng mang thiết bị đo nhiệt độ, áp suất không khí.
Ông cho biết, đây là nhiệm vụ với nhiều thách thức nhưng hiện công nghệ thiết kế, chế tạo được chủ động hoàn toàn trong nước nên có thể thực hiện thành công mục tiêu đề ra.
Trước đó vào tháng 4/2018 đã xuất hiện những hình ảnh đầu tiên của tên lửa với mã định danh TV-01 được thiết kế để để mô phỏng trên thực địa quá trình phóng tên lửa đẩy mang vệ tinh lên quỹ đạo do Học viện Kỹ thuật quân sự nghiên cứu chế tạo, đây được xem là bản thử nghiệm cho loại tên lửa vừa ký hợp đồng phát triển.
Tên lửa thử nghiệm TV-01 cũng có kết cấu 2 tầng động cơ (động cơ phóng, động cơ hành trình) và 1 tầng công tác mang "hộp vệ tinh" đến vị trí xác định trong không gian, nó đã bay lên được độ cao hơn 4.000 m, tầm xa hơn 3.000 m , thực hiện được các quá trình tách tầng, bung dù thu hồi "hộp vệ tinh".
Việc phóng thành công tên lửa TV-01 là lời khẳng định đề tài VT/TLĐ/14-15 “Tiếp cận kỹ thuật phóng tên lửa đẩy tầm thấp bằng mô hình vật lý dựa trên cơ sở mẫu tên lửa thử nghiệm TV-01” do PGS.TS Vũ Thanh Hải chủ trì đã hoàn thành mục tiêu đề ra.
Đây là tiền đề để Việt Nam tiến tới chế tạo tên lửa đẩy hoàn chỉnh để phóng vệ tinh do mình tự sản xuất lên quỹ đạo vũ trụ, đồng thời dựa trên thành tựu đó chúng ta còn có thể quay lại và cho ra đời biến thể tên lửa chiến đấu do công nghệ của hai loại là giống nhau.